Morocco, kỳ quan của bóng đá châu Phi ở World Cup

Trong mắt nhiều người, bóng đá châu Phi gợi lên vẻ hoang dã. Thế nhưng, quan điểm đó dần sai lầm qua hình ảnh của Morocco. “Những chú sư tử Atlas” đang lầm lũi tiến vào bán kết bởi lối chơi vô cùng khoa học và chính xác.

Trước World Cup 2022, Samuel Eto’o đã nhận định Cameroon và Morocco sẽ lọt vào trận chung kết. Tất nhiên, nhiều người cho rằng đó chỉ là trò vui của vị đương kim Chủ tịch LĐBĐ Cameroon. Nhưng tới thời điểm này, không ít người giật mình. Nhánh đấu của Morocco, mọi thứ chuẩn xác tới không ngờ. Eto’o dự đoán rằng, Morocco sẽ vượt qua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trên hành trình lọt vào chung kết.

Có thể hiểu, Eto’o muốn tạo nên “tiếng nói châu Phi” ở World Cup 2022. Ở giải đấu năm nay, có không ít tiếng nói như vậy. Đơn cử như HLV Otto Addo của Ghana khẳng định rằng, lục địa Đen xứng đáng có thêm suất dự World Cup. Nhưng tiếng nói dõng dạc nhất tới từ Morocco.

Lần đầu tiên trong lịch sử, một đội bóng châu Phi góp mặt ở bán kết World Cup. Đó là điều diệu kỳ với bóng đá Morocco. Nhưng hãy chứng kiến cách họ quật ngã ba đội bóng mạnh của châu Âu là Bỉ, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để thấy sự đáng sợ. Đáng nể hơn, Morocco còn chưa bị cầu thủ nào của đối phương chọc thủng lưới.

Bằng một cách nào đó, đội bóng có chỉ số tấn công thuộc loại thấp ở World Cup 2022 lại chễm chệ ngồi mâm của 4 đội bóng mạnh nhất. Họ chỉ có tỷ lệ kiểm soát bóng 30%, thực hiện trung bình 7 cú sút mỗi trận (thấp thứ 4 giải đấu) và chỉ đạt chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG) là 0.71 (chưa tới 1 bàn/trận). Nhưng Morocco đã xuất sắc chống lại nghịch lý ấy bằng việc xây dựng “bức tường thành” kiên cố. Hay như tờ So Foot đánh giá: “Đó là thứ vũ khí chết người của người Morocco”.

“Lá chắn không thể phá vỡ”, tờ báo này tiếp tục nhận xét. Đó là nhận định không hề thiên vị về Morocco. HLV Walid Regragui, một người thần tượng Pep Guardiola tới điên dại, đã xây dựng hệ thống kiểm soát không gian gần như hoàn hảo.

Đánh bại cả Tây Ban Nha lẫn Bồ Đào Nha, ĐT Morocco xứng đáng được nể trọng ở World Cup 2022

Sơ đồ 4-3-3 được chuyển thành 4-1-4-1 khi không có bóng. Morocco không quan tâm quá nhiều tới khu vực 1/3 sân đối thủ mà chỉ thực hiện các động thái phòng ngự từ giữa sân. Hai cánh Hakim Ziyech và Sofiane Boufal (kể cả tiền đạo Youssef En-Nesyri) sẽ lùi sâu hợp cùng với những tiền vệ tạo thành khối phòng ngự ở khu vực trung tuyến.

Sofyan Amrabat, cầu thủ chơi thấp nhất hàng tiền vệ, có vai trò rất quan trọng khi di chuyển linh hoạt giữa hàng thủ và tiền vệ. Khi cần, Amrabat có thể hợp cùng với hàng thủ tạo thành sơ đồ với 5 hậu vệ.

Trận đấu với Tây Ban Nha là minh chứng điển hình cho lối chơi của Morocco. Họ để đối thủ thực hiện tới 1019 đường chuyền nhưng bị “nhốt” ở khu vực giữa sân. Trong trận đấu đó, đội bóng Bắc Phi thực hiện 573 áp lực phòng ngự, cao nhất giải đấu. Bồ Đào Nha đã khắc phục vấn đề này bằng việc kéo Bruno Fernandes lùi rất sâu để làm bóng nhưng tuyến trên lại không đủ sự linh hoạt.

Cần nhắc tới một chi tiết, hầu hết các cầu thủ Morocco đều rất khỏe và di chuyển rất nhiều để phá vỡ lối chơi của đối phương. Tổng quãng đường Morocco di chuyển trong trận gặp Tây Ban Nha lên tới… 148 km (nhiều hơn đối thủ 5 km). Vì thế, áp lực lên khung thành của Yassine Bounou cũng giảm đáng kể. Trong 45 cú sút Morocco phải đối diện, chỉ có 9 lần bóng đi trúng đích. Trong đó, Tây Ban Nha chỉ có 1 cú, còn Bồ Đào Nha có 3 lần.

Tất nhiên, cần phải nhắc tới thủ thành Yassine Bounou trong thành công của Morocco. Không kể tới những tình huống cản phá luân lưu trước Tây Ban Nha, người gác đền sinh tại Canada còn cho thấy sự ổn định trong khung gỗ. Bono cũng là sản phẩm của lối chơi khoa học Morocco xây dựng. Không màu mè nhưng cực kỳ chắc chắn trong những pha phán đoán tình huống và cản phá.

Không thể nói rằng Morocco sẽ đi đến đâu. Không biết chừng, họ sẽ vô địch World Cup 2022. Nhưng chắc chắn, lối chơi khoa học của “Những chú sư tử Atlas” sẽ gây ra nhiều khó khăn cho Pháp. Liệu chăng, Les Bleus có phá vỡ được “bức tường thành” của Morocco hay lại trở thành nạn nhân tiếp theo?

(Nguồn: VNE)