Sự liều lĩnh của U23 Việt Nam mang tới quả ngọt

Không phải lúc nào những thứ gắn với kế hoạch định trước cũng tạo ra thành công. Sự liều lĩnh luôn tạo ra vẻ đẹp và phức cảm riêng biệt như U23 Việt Nam lúc này.

Tuyên bố “Không ai nghĩ chúng tôi sẽ vào được tứ kết” trong phòng họp báo sau trận Malaysia của HLV Gong Oh-kyun không chỉ mô tả trọn vẹn những hoài nghi từ người hâm mộ đến giới chuyên môn nhắm vào U23 Việt Nam trước khi VCK U23 châu Á bắt đầu mà còn trực tiếp khẳng định tất cả đã “việt vị” ra sao khi sớm nhận định về lứa cầu thủ mới của bóng đá Việt Nam bằng những thành kiến phiến diện.

Có lẽ chẳng ai dám nghĩ đội U23 Việt Nam từng chật vật tại SEA Games 31 trước các đối thủ đồng cân đồng lạng lại có thể chơi hay và bùng nổ đến thế ở một giải đấu có trình độ chuyên môn cao hơn.

Bất chấp kết quả của U23 Việt Nam có ra sao ở tứ kết, đây vẫn là màn trình diễn ngoài mong đợi và trả lời quá nhiều câu hỏi tưởng chừng như không có lời giải cho bóng đá Việt Nam trong gần 5 năm qua.

u23-viet-nam-u23-chau-a-2022-lieu-linh-sports-vui
U23 Việt Nam tạo ra thành công ít ai dám nghĩ tới tại VCK U23 châu Á. Ảnh: Nhân Văn.

Diện mạo mới của U23 Việt Nam

Khi U23 Việt Nam giành HCV SEA Games 31 với thành tích không thua bàn nào ở cả chiến dịch, đa phần lời khen đều nhắm vào bộ ba cầu thủ hơn tuổi Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Hoàng Đức và Nguyễn Tiến Linh thay vì nhóm cầu thủ U23.

Cả ba trụ cột của tuyển quốc gia đã chơi một giải đấu tuyệt vời nhưng bằng phong độ có thể xem là bình thường với đẳng cấp vốn dĩ vượt trội của họ.

Cùng hệ thống chiến thuật phòng ngự 5 hậu vệ vốn đã quen thuộc của HLV Park Hang-seo, ở chừng mực nào đó, HCV SEA Games chỉ là bình mới rượu cũ: Bóng đá Việt Nam có thành tích nhưng tương lai vẫn nằm trong những cái tên quen thuộc.

Mọi thứ thay đổi chóng mặt tại VCK U23 châu Á 2022. Không còn ông Park lẫn những cầu thủ hơn tuổi, U23 Việt Nam có HLV mới với dàn cầu thủ thuần U23 và cả một chiến thuật mới. Không ai tin vào kết quả tích cực. Chúng ta đã chơi với sơ đồ 3 trung vệ suốt gần 5 năm và thay đổi đột ngột về sơ đồ 4 hậu vệ rõ ràng không đảm bảo cho thành công.

Các cầu thủ U23 Việt Nam nhanh chóng khiến quan điểm này bị lãng quên. Rũ bỏ toàn bộ hình ảnh lùi sâu phòng ngự, U23 Việt Nam gây sốc cho chính những CĐV trung thành nhất khi chơi pressing tầm cao với sơ đồ 4-1-4-1 (chuyển thành 4-3-3 khi tấn công). Chúng ta chỉ mất 17 giây để chọc thủng lưới U23 Thái Lan ở trận ra quân khi đang dồn tới 7 cầu thủ đến 1/3 phần sân trước khung thành đối thủ.

Lần đầu tiên trong nhiều năm, những CĐV thấy hàng phòng ngự của U23 Việt Nam không đổ bê tông trước khung thành. Thay vào đó là những cái bóng miệt mài chạy theo đối phương để giành lại quyền kiểm soát ngay trên phần sân đối diện.

Khi U23 Hàn Quốc chỉ còn 10 người ở lượt trận thứ hai, nhiều CĐV thực sự sốc khi thấy HLV Gong tung thêm cầu thủ tấn công vào để đá áp đặt với đối thủ mạnh hơn. Thay đổi ấy thậm chí thành công mỹ mãn khi Vũ Tiến Long gỡ hòa lúc chúng ta có 5 cầu thủ trong vùng cấm Hàn Quốc. Nếu chính xác hơn vào cuối trận, U23 Việt Nam còn có thể thắng ngược.

Khi đá nửa sân với U23 Malaysia ở lượt trận cuối, U23 Việt Nam không rối và bế tắc như hình ảnh trước Philippines tại SEA Games 31.

u23-viet-nam-u23-chau-a-2022-lieu-linh-sports-vui
Biểu tượng cho tư duy thay đổi của U23 Việt Nam nằm cả ở vị trí của thủ môn Quan Văn Chuẩn.

Bóng được di chuyển theo hình cánh cung để kéo dãn hàng phòng ngự đối phương trước khi được nhồi vào vùng cấm theo nhiều cách, từ bóng ngắn vỗ mặt trung lộ đến tạt sớm, căng ngang bóng sệt để những oanh tạc cơ như Mạnh Dũng hay Văn Tùng bắn phá.

Biểu tượng lớn nhất về sự tiến bộ trong tư duy của U23 Việt Nam là hình ảnh thủ môn Quan Văn Chuẩn lên sát vòng tròn cấm địa để tối ưu hóa khả năng kiểm soát bóng trong những phút cuối trước Malaysia.

Sự tự tin phải lớn đến đâu thì những cầu thủ trẻ của U23 Việt Nam mới có thể tạo ra sự áp đảo đến thế? Chuyên môn của các cầu thủ phải vững thế nào thì thủ môn mới có thể bình tĩnh chơi bóng ở vị trí của một tiền vệ?

Cuộc tiến hóa cần có

Khi HLV Park tiếp quản các lứa ĐT Việt Nam cách đây hơn 4 năm, bóng đá Việt Nam bước vào giai đoạn bị chính những CĐV quay lưng. Tính chuyên môn của đội tuyển là câu chuyện buồn: Hàng công cùn mòn, hàng phòng ngự thường xuyên mắc sai lầm ngớ ngẩn.

Việc đầu tiên ông Park làm là đổ bê tông vào tuyến dưới. Phải không thua trước khi nghĩ tới chiến thắng. Cách bố trí ba trung vệ cùng hai hậu vệ biên làm giảm thiểu tối đa rủi ro trong khả năng phòng ngự và là dấu ấn chiến thuật lớn nhất của nhà cầm quân người Hàn Quốc.

Tuy nhiên sau hơn 4 năm, tư duy của ông Park tạo ra hệ quả. Các đối thủ trong khu vực dần hình thành đấu pháp riêng khi gặp những đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park. Họ nhường hẳn thế trận, chấp nhận phòng ngự lùi sâu, kéo trận đấu vào thế cò cưa để thủ hòa, thậm chí đá luân lưu.

Khi được quyền kiểm soát bóng để tấn công, đội bóng của ông Park thường gặp bế tắc. Hình ảnh bĩ cực gần đây khi các cầu thủ Việt Nam không thể ghi bàn vào lưới Indonesia hay Philippines dù đều sút gấp 5 lần đối thủ đặt ra câu hỏi lớn: Liệu bóng đá Việt Nam có đủ nhân sự để chơi tấn công áp đặt thay vì phòng ngự phản công kiểu ông Park?

u23-viet-nam-u23-chau-a-2022-lieu-linh-sports-vui
Các lứa cầu thủ Việt Nam hoàn toàn có thể đá tấn công. Ảnh: AFC.

Lứa U23 Việt Nam này đang chứng minh điều ấy có thể. Tại giải vô địch Đông Nam Á ở Campuchia, HLV Đinh Thế Nam với sơ đồ 4-3-3 đã đưa U23 Việt Nam vô địch.

Và giờ là HLV Gong, cũng với sơ đồ 4 hậu vệ, đã đưa các cầu thủ trẻ từng bế tắc ở kỳ SEA Games trên sân nhà chơi thăng hoa trước những đối thủ cứng cựa như Thái Lan, Hàn Quốc hay Malaysia. Không phải ngẫu nhiên ông Gong nhấn mạnh công lao đến lúc này nằm cả ở các cầu thủ.

Sự liều lĩnh trong tư duy là điểm cốt lõi để lứa cầu thủ này của U23 Việt Nam đang vượt qua khỏi cái bóng thế hệ Thường Châu theo cách riêng.

Nói vậy không phải để chỉ trích ông Park. Ngược lại, người hâm mộ bóng đá Việt Nam phải ghi nhận công lao quá lớn từ nhà cầm quân người Hàn Quốc trong việc xây dựng nền móng phòng ngự. Để với bàn đạp ấy, lứa cầu thủ mới đang chứng tỏ họ có thể làm được nhiều hơn những gì người hâm mộ và giới quan sát kỳ vọng khi tấn công áp đặt.

Bóng đá là câu chuyện của sự tiếp nối và phát triển. Với những gì lứa U23 của ông Gong đang làm được, bóng đá Việt Nam rõ ràng đã trả lời được câu hỏi tưởng chừng như ai cũng muốn né tránh về thế hệ: Quang Hải, Công Phượng, Hùng Dũng, Văn Đức, Duy Mạnh, Hoàng Đức… xuất sắc nhưng sẽ không phải lứa cầu thủ duy nhất khiến người hâm mộ nức lòng.

Sóng sau xô sóng trước. Nhâm Mạnh Dũng, Bùi Hoàng Việt Anh, Phan Tuấn Tài, Vũ Tiến Long, Nguyễn Thanh Bình… sẽ là những cái tên đáng nhớ tiếp theo của bóng đá Việt Nam.

Không phải lúc nào gắn với kế hoạch định trước cũng tạo ra thành công. Sự liều lĩnh luôn tạo ra vẻ đẹp và phức cảm riêng biệt như U23 Việt Nam lúc này.