MU chuyển nhượng đúng hướng nhưng quá chậm
Nửa đỏ thành Manchester nên tập trung vào những mục tiêu thiết thực hơn là chạy theo các thương vụ kim tiền để rồi mất cả chì lẫn chài.
Mùa giải năm ngoái đã kết thúc theo cách không thể tệ hơn cho Man United. Vị trí thứ 6 đồng nghĩa “Quỷ đỏ” phải vắng mặt tại sân chơi Champions League. Tuy nhiên, HLV tạm quyền Ralf Rangnick vẫn tự tin nói về sức hấp dẫn của đội chủ sân Old Trafford với các siêu sao trên thị trường chuyển nhượng:
“Sẽ tốt hơn nếu chúng tôi được đá Champions League, nhưng đây không phải là vấn đề mà chỉ Man United mắc phải. Với HLV mới cùng lối chơi mới, CLB này vẫn là điểm đến yêu thích của nhiều cầu thủ lớn. Bằng chứng cho điều đó là việc gia hạn thành công với Bruno Fernandes”.
Thực tế cho thấy Ralf Rangnick đã nhầm. Man United đang có phiên chợ hè khó khăn. Dù danh tính tân HLV được xác định từ sớm là Erik ten Hag, mới chỉ có cầu thủ trẻ Tyrell Malacia cập bến từ Feyenoord và “lão tướng” Christian Eriksen dưới dạng tự do.
Những thương vụ lớn mà Man United theo đuổi đều chưa mang lại kết quả. “Quỷ đỏ” thất bại trong cuộc đua giành Darwin Nunez với Liverpool, Frenkie de Jong khẳng định mong muốn ở lại Barca còn Ajax tự tin hét giá cho Lisandro Martinez. Ở chiều ngược lại, có đến 7 cầu thủ đội một đã dứt áo ra đi thay vì nghĩ đến chuyện gia hạn. Không thể không nhắc đến chuyện Cristiano Ronaldo đòi ra đi.
Mua được sao chưa chắc đã tốt
Dĩ nhiên Man United vẫn có sức hút lớn. Ed Woodward trong thời gian cầm quyền từng phát biểu rằng “Quỷ đỏ có thể làm những điều trên thị trường chuyển nhượng mà các đội khác chỉ biết ước”.
2014 là minh chứng rõ ràng cho tuyên bố trên. Đó là thời điểm Man United phải chia tay Champions League, nhưng đem về được hai siêu sao hàng đầu là Angel Di Maria và Radamel Falcao. 2 năm sau, cũng trong tình cảnh tương tự, Paul Pogba và Zlatan Ibrahimovic cập bến để đá Europa League.
Nhưng chính sách đó của Man United không phát huy hiệu quả. Hàng loạt các thương vụ “bom tấn” đều trở thành “bom xịt” tại Old Trafford. Các cầu thủ không thể thích nghi với đội bóng, đồng thời là nhiều cá tính lớn làm lục đục phòng thay đồ. Quá khứ đáng buồn khiến “ổn định” là cụm từ quá xa xỉ với Man United.
Di Maria được đưa về trong khi Van Gaal chưa hình dung ra cách sử dụng. Falcao cập bến trong sự hoảng loạn về việc thiếu tiền đạo, bất chấp cầu thủ người Colombia có tiền sử chấn thương dây chằng chéo nghiêm trọng. Paul Pogba rời Juventus trong vinh quang để trở về “nhà”, thông qua mức lương kếch xù. Trong mọi trường hợp, sức hấp dẫn mà Man United tự tin nhất vốn dĩ cũng chỉ là tiền.
Hãy nhìn sang “gã hàng xóm” ồn ào Man City. Từ khi nổi lên vào đầu thập niên trước, nửa xanh thành Manchester nhận được sự hậu thuẫn tài chính cực mạnh từ giới chủ Ả Rập. Dù vậy, The Citizens không lập tức đổ tiền chiêu mộ những ngôi sao trên trời.
Thay vào đó, “Man xanh” đánh vào những cầu thủ có tuổi đời đẹp, vẫn còn nhiều năm để phát triển và tràn đầy khao khát thể hiện bản thân. David Silva và Yaya Toure chấp nhận bỏ Champions League để đến Man City và nhận lại bảng thành tích dài đằng đẵng.
Đó là chiến lược cực kỳ hiệu quả của Man City, được duy trì xuyên suốt hơn một thập kỷ và biến họ trở thành một trong những đế chế hùng mạnh tại châu Âu. Man United chưa có một chiến lược nào tương tự, kể cả về tầm nhìn hay sự quyết tâm với nó.
Mọi thứ tại Old Trafford hoàn toàn rối loạn từ sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu. Phải mất đền gần 8 năm sau sự ra đi của Sir Alex, “Quỷ đỏ” mới bổ nhiệm một giám đốc thể thao là John Murtough. Đáng lẽ ra, Man United đã phải làm sớm hơn.
Erik ten Hag – hạt nhân cho sự thay đổi
Tuy vậy, tầm nhìn của Murtough đến lúc này cũng chưa thể hiện được nhiều. Giám đốc thể thao của “Quỷ đỏ” gia hạn hợp đồng với Ole Gunnar Solskjaer vào mùa hè năm ngoái, sa thải ông hồi giữa mùa và mời về Ralf Rangnick dưới vai trò tạm quyền. Với lực lượng của đội bóng, Murtough đem về Cristiano Ronaldo và cố gắng gia hạn với Pogba nhưng bất thành.
Chính Rangnick cũng từng đưa ra lời khuyên rằng Man United nên tập trung vào những cầu thủ trẻ, giàu khát khao thay vì các ngôi sao hạng A đắt tiền và khó dùng.
“Man United cần thêm những lý do chính đáng để mua người. Khi Pep, Klopp hay Tuchel muốn ai, họ sẽ trực tiếp nói chuyện với người đó. Erik ten Hag cũng nên như vậy. Các HLV phải cảm thấy cầu thủ đó phù hợp mới quyết định xúc tiến chiêu mộ. Man United thiếu điều đó”.
Erik ten Hag là 1 HLV cực kỳ nghiêm túc với triết lý bóng đá tốc độ, giàu năng lượng, kiểm soát và quyết đoán. Ông hẳn cũng đã chuẩn bị sẵn một chiến lược chiêu mộ những ai. Đội đang cố gắng ký với De Jong, người mà Ten Hag tin rằng sẽ phục hưng được tuyến giữa. Đó là mục tiêu rõ ràng và có cơ sở khi Ten Hag từng làm việc thành công với De Jong tại Ajax, khác hẳn với cách Van Gaal đón về Di Maria.
Man United có vẻ đi đúng hướng, nhưng quá chậm. Bây giờ đã là giữa tháng 7. Các đối thủ cạnh tranh gần như đã hoàn tất chuyến đi chợ. Erik Ten Hag rõ ràng có quyền yêu cầu nhiều hơn. Nếu mọi chuyện không sớm được giải quyết, “Quỷ đỏ” sẽ phải đối diện với những thương vụ tốn kém và tệ hại mà họ từng phạm phải trong quá khứ.
(Nguồn: Nhật Minh/Zing)