Đến lúc U23 Việt Nam lấy chỗ ở tuyển quốc gia?
Những bước tiến vượt quá kỳ vọng tại giải châu Á là cơ sở để tin rằng U23 Việt Nam nên được trao thêm cơ hội, thậm chí có thể cạnh tranh suất đá chính tại tuyển quốc gia.
Và nếu phải tìm một nhân vật tiêu biểu cho những bước tiến ấy, đó là Phan Tuấn Tài.
3 tháng trước, rất ít người biết Tuấn Tài là ai. Cầu thủ thuộc biên chế lò đào tạo trẻ Viettel chỉ chơi cho đội hạng Nhất Đắk Lắk. Anh không có tên ở U23 Việt Nam dự vòng loại châu Á hồi năm ngoái, thậm chí chẳng có mặt trong thành phần ban đầu đội U23 vô địch Đông Nam Á hồi tháng 2.
Tuấn Tài chỉ được bổ sung sang Campuchia sau cuộc khủng hoảng nhân sự vì Covid-19. Anh vốn là lựa chọn thứ 3 hay 4 ở vị trí hậu vệ trái của U23 Việt Nam, không có cửa tại V.League và có lẽ chưa bao giờ dám nghĩ về những điều xa vời như vô địch SEA Games hay tuyển Việt Nam.
3 tháng sau, mọi thứ đã thay đổi. Rất nhiều điều xa vời ấy đều đã ở sau lưng Tuấn Tài. Thế hệ của anh đang khiến tất cả phải đi từ ngỡ ngàng này này tới ngạc nhiên khác.
U23 Việt Nam hiện tại đã chứng minh rằng họ không thiếu tài năng, rằng họ chẳng thua kém quá nhiều so với lứa đàn anh tài danh. Và đương nhiên, họ xứng đáng với những cơ hội, cả ở V.League lẫn tuyển quốc gia.
V.League phải mở cửa với U23 Việt Nam
Thống kê sau sẽ làm người hâm mộ giật mình. Trong danh sách 23 cầu thủ U23 Việt Nam dự giải châu Á, chỉ 4 người đang có suất đá chính tại các CLB V.League, ít đến mức ta có thể điểm tên cụ thể từng người: Nguyễn Văn Toản (Hải Phòng), Bùi Hoàng Việt Anh (CLB Hà Nội), Nguyễn Thanh Bình (CLB Viettel) và Lý Công Hoàng Anh (Bình Định).
Phần còn lại hoặc ngồi dự bị như Nhâm Mạnh Dũng, Trần Danh Trung, hoặc phiêu dạt ở các đội hạng Nhất như Tuấn Tài, Lê Minh Bình. Những khó khăn họ phải đối mặt ở V.League như là chỉ dấu cho thấy họ chưa đủ trình độ cho giải đấu này. Nhưng màn trình diễn tại U23 châu Á thì chứng minh điều ngược lại.
Đối mặt với Thái Lan có 9 cầu thủ chơi bóng tại châu Âu hay Hàn Quốc với rất nhiều cầu thủ đang đá K League 1, U23 Việt Nam cho thấy một trình độ bóng đá tương đồng.
HLV Gong Oh-kyun tài năng nhưng năng lực của ông chắc chắn không thể phát tiết hết nếu thiếu đi những quân bài chất lượng. Câu hỏi đặt ra là khi chưa được chơi V.League, những cầu thủ này đã thể hiện ấn tượng đến vậy. Nếu được trao cơ hội, họ sẽ còn tiến xa tới đâu?
Sau thành công rực rỡ của lứa 1995 và 1997, làn sóng trẻ tại V.League đã không còn dâng lên mạnh mẽ. Sự hiện diện của lứa cầu thủ trên ở các CLB lớn như Hà Nội, Viettel, HAGL.. đã hạn chế đáng kể bước tiến của những tài năng trẻ. Các HLV càng yên tâm với những người hùng của thế hệ vàng Việt Nam thì cơ hội cho nhóm tài năng mới càng ít. Vài năm qua, số cầu thủ sinh từ 1999 có suất đá chính ở CLB chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và họ đều đang là trụ cột cho đội U23.
Phần còn lại của U23 thiếu năng lực hay các HLV V.League đã quá thận trọng? Câu trả lời đã có đáp án sau SEA Games và càng được củng cố bởi U23 châu Á.
Tuyển Việt Nam không còn là cánh cửa quá tầm
6năm trước, bóng đá Việt Nam cũng chứng kiến một trường hợp tương tự Tuấn Tài nhưng ở cấp đội tuyển. Được HLV Nguyễn Hữu Thắng trao cơ hội từ tháng 3, Lương Xuân Trường đã nhanh chóng chiếm suất đá chính ở đội tuyển, trở thành trụ cột, dẫn đội tuyển tới bán kết AFF Cup và kết thúc năm với danh hiệu Quả bóng bạc. Trong 10 tháng, Trường ra mắt tuyển quốc gia và suýt trở thành cầu thủ hay nhất Việt Nam.
Hai năm sau, tới lượt Phan Văn Đức làm điều tương tự khi ra mắt đội tuyển, vô địch AFF Cup và giành Quả bóng đồng đều trong cùng một năm.
Bước tiến thần tốc của họ là chỉ dấu khẳng định chẳng hề quá sớm cho những tài năng U23 Việt Nam có suất tại tuyển quốc gia trong thời gian tới. Thành công của những tuyển thủ trẻ như Phạm Tuấn Hải ở hàng công, Nguyễn Thanh Bình ở hàng thủ hay đặc biệt là Hoàng Đức tại tuyến giữa cho thấy tuyển Việt Nam không còn là cánh cửa quá tầm với những ngôi sao trẻ.
Sự xuất hiện của họ đang thổi một luồng sinh khí mới cho bóng đá Việt Nam vốn đang lo lắng về sự đi xuống của thế hệ vàng. Ngoài Hùng Dũng, Ngọc Hải, Tiến Linh, các trụ cột khác của tuyển Việt Nam đều có những vấn đề riêng.
Một nhóm bị chấn thương tàn phá như Đình Trọng, Văn Hậu, Trọng Hoàng… Nhóm khác xuống phong độ như Văn Thanh, Hồng Duy, Công Phượng, Tuấn Anh… 5 năm kể từ 2018 cũng là khoảng thời gian đỉnh cao thường thấy mà một thế hệ có thể duy trì. Nếu không có những sự thay máu mạnh mẽ và quyết liệt, tuyển Việt Nam khó tránh nguy cơ tụt hậu.
May cho HLV Park, ông đang có những điều kiện tuyệt vời để làm điều đó. Khoảng thời gian từ nay tới AFF Cup còn gần nửa năm, đội tuyển không có một giải chính thức nào trong quãng thời gian đó. Cộng thêm sự tiến bộ từ lứa U23, chiến lược gia người Hàn Quốc hoàn toàn có thể tiến hành cuộc cách mạng nhân sự thứ hai ở đội tuyển, điều ông đã từng làm và rất thành công hồi năm 2018.
(Nguồn: Minh Chiến/Zing)