Đến lượt cựu VĐV bơi lội kể chuyện thiếu ăn, bị phạt thì coi như mất cả tháng lương

Sau lùm xùm vụ bữa ăn 800.000 đồng của đội tuyển trẻ bóng bàn, nhiều VĐV cũng bức xúc kể chuyện “thiếu ăn”.

Những ngày qua dư luận vô cùng bức xúc về thông tin những VĐV của đội tuyển trẻ bóng bàn phải chịu cảnh “đói ăn” ở Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình. Nhìn bàn ăn 800.000 của những VĐV tương lai của đất nước mà ai nấy cũng cũng phải lắc đầu ngao ngán. Bước đầu, 2 HLV của đội tuyển trẻ bóng bàn đã bị thôi chỉ đạo tập huấn và Cục thể thao cũng đã vào cuộc xác minh các thông tin liên quan đến bữa ăn, chế độ tiền lương của VĐV. Thế nhưng đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện mà VĐV chưa một lần nói ra.

Khi VĐV chịu cảnh “đói ăn”

“Có những bữa ăn tôi bực muốn lật bàn, đứng dậy và không ăn nữa nhưng vẫn đành chịu…”, kình ngư N.H bức xúc kể lại quãng thời gian mà anh cùng các đồng đội đã trải qua khi tập luyện ở trung tâm thể thao ở Đ.N.

“Bạn thử tưởng tượng sau một ngày tập luyện người mệt nhoài chỉ mong có bát cơm nóng, đầy đủ đồ ăn nhưng nhìn vào bàn ăn thì chỉ muốn nhịn. Có thể đồ ăn không ngon nhưng ít ra cũng phải đảm bảo nóng nhiều một chút. Đằng này bữa nào đồ cũng lạnh ngắt, ăn canh như uống nước lạnh.

Đây là câu chuyện mà tôi đã trải qua khi tập ở trung tâm của địa phương. Cách đây 3 tháng đồ ăn cũng không hơn các VĐV trẻ của đội tuyển bóng bàn là mấy. Chế độ ăn của chúng tôi là 85.000 đồng/ người và ngồi mâm bàn 7 người. Đúng cảnh người này ăn nhưng phải nhìn người kia để lựa mà gắp”.

Từng nhiều lần có ý định phản ánh nhưng cứ đăng ảnh lên mạng xã hội là VĐV lập tức bị HLV nhắc nhở và cách giải quyết vấn đề của bếp ăn cũng đặt ra môt dấu hỏi.

“Tôi từng nhiều lần đăng story lên facebook để cầu cứu nhưng rồi HLV yêu cầu tôi gỡ bài. Và cách chữa cháy ở nhà bếp khi chúng tôi phản ánh là đội bơi được xếp ăn muộn hơn các đội khác, nếu suất ăn còn dư thì đưa cho chúng tôi ăn, coi như tăng khẩu phần. Tuy nhiên may mắn ở thời điểm hiện tại trung tâm đã thay toàn bộ nhà bếp, có sự cải thiện chế độ dinh dưỡng hơn cho VĐV sau nhiều lần chúng tôi phản ánh”, N.H kể lại.

Ở Việt Nam, các HLV thường động viên VĐV là phải chịu khổ nhưng bếp ăn “tạo khổ” để bắt VĐV chịu thì tội VĐV quá. Những ngày qua khi thấy bàn ăn thiếu chất của các tay vợt trẻ ở đội tuyển bóng bàn nhiều VĐV từng cống hiến cho thể thao Việt Nam đã không thể kiếm chế được cảm xúc.

“Ăn chặn tiền của VĐV là câu chuyện thường xuyên xảy ra trong thể thao mà nhất là ở những đội tuyển trẻ khi mà sự hiểu biết của các em chưa nhiều, chưa có tiếng nói trong nghành và tâm lý sợ HLV, sợ đánh, sợ phạt, sợ kỷ luật và sợ bị đuổi về. H biết hiện tại tình trạng này còn rất nhiều trong Thể thao Việt Nam nhưng các em và các bạn không dám nói và lên tiếng.

Hy vọng qua sự việc lần này các ban lãnh đạo ở địa phương và đội tuyển quốc gia sẽ sâu sát hơn về vấn đề quản lý, kỷ luật thích đáng các HLV sai phạm và mong các anh chị, thầy cô hãy yêu thương VĐV như chính con cháu của mình và hãy để các em được nhận những gì xứng đáng với công sức của các em bỏ ra, vì đó là mồ hồi, xương máu và cả tuổi thanh xuân của các em”, VĐV T.Đ.H chia sẻ.

Không chỉ riêng về vấn đề sinh hoạt, ăn uống, cách quản lý VĐV của một số HLV cũng được cho là khá “nặng tay” khiến nhiều VĐV chán tập, sợ hãi mỗi lần phải tập luyện.

Bị phạt mất cả tháng lương

“Chuyện bị phạt với VĐV là quá quen thuộc rồi. Nhưng mà phạt thế nào, với mức độ nào và để VĐV phục mới là điều đáng nói. Tôi nhớ mãi thời điểm năm 2019-2020 khi tôi tập ở T.T2 chúng tôi thường phải tập bài thể lực rất nặng. Bạn thử tưởng tượng nữ thì cầm bóng 3kg, nam thì 5kg để tay thẳng ra trước squat. 3 tổ hợp mỗi tổ như thế là 12 động tác, lặp lại 20 lần. Chúng tôi tập tới nỗi tay chân run rẩy không đứng vững. Tập ăn gian thì đúng là đáng trách thật nhưng chúng tôi vừa mệt vừa run, thiếu 1-2 cái sẽ bị phạt cả tháng lương 7-8 triệu đồng”.

Bữa sáng trị giá 50.000 đồng.

Với VĐV tập luyện cả tháng mới được ngần ấy tiền nhưng mất cả tháng lương thì không có tiền trang trải. N.H cho rằng phạt là chính đáng nhưng phạt nhiều như vậy để bỏ tiền vào quỹ cuối năm liên hoan thì không đúng. Còn nếu không nộp phạt thì N.H cùng các đồng đội bị coi là chống đối HLV, thậm chí còn bị đánh. Đây cũng là điều khiến nhiều VĐV không phục cách HLV dẫn dắt.

Câu chuyện mà N.H trải qua gợi đến lùm xùm HLV Bùi Xuân Hà – người vừa bị cho thôi tập huấn ở đội tuyển trẻ bóng bàn cũng từng dùng roi đánh học trò 15 tuổi do vi phạm kỷ luật trong tập luyện. Hay gần nhất HLV Ngô Quang Trường nổi giận dùng chai nước đánh học trò ngay trên sân do ăn mừng khiêu khích ở giải U15 quốc gia.

Chúng ta có thể phần nào đồng cảm với sự tức giận của các HLV nhưng chắc chắn sẽ không thể đồng tình về cách dạy học trò này. “Yêu cho roi, cho vọt” liệu có còn đúng? Sử dụng đánh đập, kỷ luật nặng tay bằng tiền cả tháng lương mồ hôi tập luyện sẽ thực sự hiểu quả hay để lại hệ luỵ về sau.

(Theo Phụ nữ mới)