‘Bay lên trời là bay ra ngoài’ là lời cổ vũ hay cản trở thể thao?
Lời hát chế quen thuộc với người xem bóng đá trong những năm gần đây. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng câu cổ động này có phần phản cảm, không đúng tinh thần thể thao.
Câu hát lần đầu tiên xuất hiện tại SEA Games 30 khi một số cổ động viên Việt Nam dùng loa và hét lớn trên các sân vận động ở Philippines. Hiện, người hâm mộ tiếp tục hô vang khi thầy trò HLV Gong Oh-kyun tham dự VCK U23 châu Á 2022 tại Uzbekistan.
Không chỉ để cổ vũ đội nhà, câu khẩu hiệu được cho rằng sẽ gây áp lực tinh thần đối với các cầu thủ đối phương.
Chị Vũ Thị Thúy (quê Quảng Ninh), một trong những cổ động viên thường hô lớn câu hát này từ khán đài, nói với Zing bản thân cảm thấy rất vui mừng mỗi khi mình hô như vậy và đội nhà giành chiến thắng.
Thời gian đầu, nhiều CĐV tỏ ra thích thú vì câu hát xuất phát từ tình yêu của CĐV đối với tuyển Việt Nam nói riêng và bóng đá nói chung.
Sau đó, khi xuất hiện ngày một nhiều và ầm ĩ, đặc biệt ở các giải đấu lớn của khu vực, nhiều ý kiến cho rằng lời cổ động như vậy có phần phản cảm, không thực sự phù hợp.
Trong thể thao, sự ủng hộ, cuồng nhiệt đến từ các cổ động viên là điều không thể thiếu. Covid-19 càng cho thấy ngay cả môn thể thao vua cũng có thể trở nên tẻ nhạt, kém hấp dẫn nếu vắng đi những khán đài chật kín người xem.
Tuy nhiên, nếu vượt xa khỏi mục đích ban đầu là ủng hộ người chơi, đám đông và sự ồn ào của mình cũng không thể trở thành một phần văn minh, đẹp đẽ của thể thao.
Sự cổ vũ biến thành ồn ào phản cảm
Kể cả tại những giải bóng đá lớn trên khắp thế giới, sự cổ vũ đôi lúc bị biến tướng thành những điều tiêu cực, xấu xí: chửi bới tục tĩu, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị đồng tính…
Những câu chửi rủa thô tục từ lâu là nỗi ám ảnh đối với các cầu thủ thi đấu ở giải bóng đá nhà nghề của Mỹ Major League Soccer (MLS).
Khi thủ môn đối phương bắt được bóng hay đội khách tràn lên tấn công, cổ động viên trên các khán đài sử dụng những tiếng ồn cùng câu chửi bới để gây mất tập trung, áp đảo tinh thần. Âm thanh phản cảm này thậm chí được truyền hình trực tiếp đến hàng triệu khán giả.
Jerome de Bontin, cựu Chủ tịch CLB Monaco (Pháp) và từng giữ chức tổng giám đốc CLB New York Red Bulls (Mỹ), nói: “Nếu không có giải pháp, điều này sẽ nghiêm trọng hơn. Nhiều người đến sân và sẽ lầm tưởng rằng những câu chửi này được khuyến khích và là một phần của bóng đá”.
MLS đã yêu cầu các CLB tự giải quyết vấn đề này. Trong trường hợp, người hâm mộ vẫn quá khích, CLB đó có thể đối mặt với án phạt của MLS, theo The New York Times.
Trong tâm thư gửi người hâm mộ vào năm 2013, New York Red Bulls đề nghị fan dừng các hành động, lời nói quá khích. “Khi tham gia thể thao, bạn có quyền cuồng nhiệt. Nhưng chúng tôi không muốn sự thô tục có tổ chức”.
Tại Mexico, các cổ động viên có thể biến trận bóng ít kịch tính nhất thành khoảnh khắc phản cảm, gây tranh cãi dữ dội, theo The Guardian.
Khi thủ môn đối phương chạm tay vào bóng hay đội khách tiến gần tới cầu môn, đám đông hô vang: “Ehhh, Puto, Puto”. Puto là tiếng lóng kỳ thị đồng tính.
Mexico từng đối mặt nguy cơ bị loại khỏi World Cup 2022 vì sự xúc phạm đồng tính này. “Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề này trước khi vòng loại World Cup 2022 bắt đầu, nó sẽ gây nguy hiểm cho cơ hội tham gia của chúng ta trong giải đấu”, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Mexico (FMF) Yon de Luisa tuyên bố.
FIFA lần đầu tiên trừng phạt Mexico vì những lời lẽ kỳ thị vào năm 2015. FMF phải nộp phạt hơn 15.000 USD sau trận đấu vòng loại World Cup với Ecuador ở Mexico City. Kể từ đó, FIFA đã công bố thêm 13 khoản tiền phạt, trong đó có khoản tiền hơn 10.000 USD sau trận mở màn của Mexico với Đức tại VCK World Cup năm 2018.
Ngoài Mexico, các đội bóng khác như Argentina, Brazil, Chile, Peru… cũng nhận án phạt từ FIFA vì hành vi kỳ thị người đồng tính trong vòng loại World Cup 2018.
CĐV ồn ào, đội nhà bị ảnh hưởng
Khi nhiều giải đấu bóng đá trở lại sau thời gian nằm im vì Covid-19, các cầu thủ đối mặt với vấn đề mới: Những sân vận động trống rỗng, không một bóng người.
Đó là lúc người chơi và cả những khán giả theo dõi trận đấu qua màn hình cảm thấy nhàm chán và hụt hẫng. Mọi người nhận ra sự quan trọng của những đám đông huyên náo, phủ kín các sân vận động.
Bundesliga, giải bóng đá hàng đầu của Đức, và Premier League, giải bóng đá ngoại hạng Anh, phải sử dụng âm thanh giả để tạo thêm không khí cho đội bóng cũng như người xem truyền hình.
Thế nhưng, những âm thanh mà các cầu thủ và người hâm mộ thể thao thực sự nhớ chắc chắn không phải là những tiếng chửi rủa, lời thô tục, phản cảm.
Trong một bài viết cho The Guardian, cựu thủ môn David James (Anh) nói rằng lời chế nhạo, chửi bới trên sân vận động ảnh hưởng đến người chơi nhiều hơn những gì khán giả nghĩ.
Theo James, hầu hết cầu thủ biết rõ họ thích và ghét thi đấu ở đâu. Có những sân vận động chỉ toàn những câu la hét, lăng mạ.
“Tôi ghét chơi trên những sân như vậy. Người hâm mộ không ngừng mạt sát bạn”.
James khi còn khoác áo CLB Liverpool, anh và một số đồng đội rất sợ hãi mỗi khi thi đấu trên sân vận động Anfield. Mặc dù là sân nhà, có một nhóm cổ động viên luôn khiến các cầu thủ lo lắng.
“Đó có thể chỉ là một hoặc hai giọng nói đủ gần nhưng họ lặp đi lặp lại điều đó hàng tuần. Thường thì tôi sẽ cố quên nó nhưng đôi lúc tôi bị mất ngủ, sa sút tinh thần, ảnh hưởng đến phong độ”.
Việc lạm dụng người chơi bằng ngôn ngữ phân biệt chủng tộc hoặc kỳ thị đồng tính là không thể chấp nhận được dưới bất kỳ hình thức nào. Nhưng với tư cách là cầu thủ, James nói anh phải chuẩn bị tinh thần để chống chọi với những thứ khác.”Tôi chưa bao giờ được tư vấn, cảnh báo hoặc giáo dục về cách thoát khỏi việc này. Tất cả những gì chúng tôi được dạy là hãy tập trung thi đấu và đừng quan tâm đến những tiếng la hét đó”.
(Nguồn: Lê Vy/Zing)