Dấu ấn thể thao học đường ở đội judo kata Việt Nam

Trong số đội tuyển Việt Nam dự SEA Games 31 vừa qua, có một đội đặc biệt, với nhiều thành viên và cựu thành viên là bác sĩ, kỹ sư, giảng viên đại học…

Ngày 24/5, fanpage của Đại học Quốc gia TP HCM đăng thông báo có phần khác lạ so với các chủ đề tuyển sinh, nghiên cứu, học tập, thi cử… thường thấy: “Chúc mừng thầy Hà Minh Minh Đức, Giảng viên Khoa Lưu trữ và Quản trị Văn phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM giành HC bạc judo cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31”.

Thạc sĩ Minh Đức – người thi đấu nội dung quyền Kodokan Goshin Jutsu – cũng như nhiều thành viên khác của đội tuyển kata (quyền thuật) judo Việt Nam từ năm 2009 đến nay có một “mẫu số chung” là xuất thân từ thể thao học đường. Giảng viên – võ sĩ này là cựu học sinh trường THPT Nguyễn Du, TP HCM. Riêng tại kỳ đại hội trên sân nhà vừa qua, có đến năm trong tám thành viên của đội judo kata Việt Nam từng được trui rèn ở những lò võ trường học.

Đi tập huấn với sách… giải phẫu học

Tại TP HCM, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai và trường THPT Nguyễn Du là hai đơn vị tiên phong của judo học đường, với đúng tiêu chí “khỏe mạnh để học tốt”. CLB Judo trường Nguyễn Thị Minh Khai ra đời trong năm học 1997-1998, còn CLB Judo trường Nguyễn Du vừa tròn 20 tuổi trong năm 2022. Được giảng dạy bởi các võ sĩ danh tiếng một thời của judo Việt Nam như Cao Ngọc Phương Trinh, Trần Vũ Thị Hiếu Hạnh (trường Nguyễn Thị Minh Khai), Trần Đình Thủy Tú (trường Nguyễn Du), các võ sinh của cả hai CLB nhanh chóng đạt thành tích đáng khích lệ ở các giải cấp thành phố lẫn quốc gia. Và nhận thấy nội dung quyền (kata) rất phù hợp để học sinh luyện tập, CLB Judo Nguyễn Thị Minh Khai và CLB Judo Nguyễn Du đã sớm “khai phá” mảnh đất mới này.

the-thao-hoc-duong-judo-viet-nam-sports-vui
Minh Đức (phải) trong bài quyền cùng Cường Thịnh đoạt HC bạc judo kata tại SEA Games 31. Ảnh: Bùi Khả Tú

Trước đây, ở Việt Nam, về kata, các võ đường judo dạy chủ yếu Nage no Kata – bài quyền của những kỹ thuật quật, và Katame no Kata – bài quyền của những kỹ thuật địa chiến, vì đây là nội dung thi các cấp bậc của huyền đai. Nhưng từ 2007, CLB Judo của hai trường Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Du đã dạy Ju no Kata (bài quyền về sự nhu hòa, uyển chuyển) cho các võ sinh. Và năm 2009, tại Lào, bài quyền này cùng với Nage no Kata được đưa vào thi đấu chính thức lần đầu tiên ở SEA Games. Cũng ngay lần đầu tiên ấy, cặp VĐV – học sinh Nguyễn Lan Linh và Lê Ngọc Vân Anh của trường Nguyễn Thị Minh Khai giành HC bạc nội dung quyền Ju no Kata.

Gặp bác sĩ nhãn khoa Vân Anh ở bệnh viện Mắt TP HCM, hay khi cô giảng dạy ở bộ môn Mắt trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khó có ai nghĩ rằng cô gái khoác áo blouse ấy đã hai lần giành HC đồng ở Giải Judo Kata châu Á (2011, 2012), hai lần HC bạc SEA Games (2009, 2013), HC vàng giải Đông Nam Á năm 2010… Thời còn học ở trường Nguyễn Thị Minh Khai – một trong những trường THPT hàng đầu ở TP HCM, Vân Anh đã nổi tiếng là học giỏi, thường xuyên cùng với đồng đội Lan Linh đứng nhất, nhì lớp. Điểm thi tốt nghiệp THPT năm ấy của cô cao nhất trường (56,5 trong tổng 60 điểm), rồi cô vượt qua kỳ thi đại học một cách “ngọt ngào”, đậu vào trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Khi đã tốt nghiệp đại học, Vân Anh dự thi và tiếp tục đỗ vào chương trình bác sĩ nội trú của trường Phạm Ngọc Thạch.

Bí quyết của cô bác sĩ để vừa học giỏi, vừa tập tốt là tận dụng tối đa thời gian, và quan trọng hơn, yêu thích judo, xem những buổi luyện võ là những giờ phút để thư giãn giữa những căng thẳng của bài vở. Vân Anh kể về một thời “học hết sức, tập hết mình”: “Những ngày tập luyện judo đã mang lại cho tôi nhiều điều như sức khỏe tốt, tinh thần vững vàng, cùng những trải nghiệm ấm áp về tình thầy trò, tình đồng đội… Cô Hiếu Hạnh, cô Phương Trinh lúc nào cũng tạo điều kiện để tôi có thể tập luyện mà không ảnh hưởng đến lịch học khá dày của mình”. Nhờ đó, ngay cả năm cuối cấp và đang luyện thi vào trường y, chị vẫn thu xếp để tập được judo hai buổi mỗi tuần.

Vào đại học, Vân Anh vẫn cố gắng duy trì tập luyện, nên mới có kỷ niệm đáng nhớ khi sang Nhật Bản tập huấn tại tổ đường Kodokan để chuẩn bị cho SEA Games 25 ở Lào. Chuyến đó, trong hành lý, ngoài võ phục, cô sinh viên y khoa còn mang theo nhiều cuốn sách dày về giải phẫu học, sinh học tế bào… Tận dụng tốt thời gian, nên sau một tháng tập huấn ở Nhật, về đi học lại, Vân Anh vẫn bắt nhịp tốt và thi đậu tất cả các môn trong học kỳ đó ở trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

the-thao-hoc-duong-judo-viet-nam-sports-vui
Bác sĩ Vân Anh (đai đen trái) cùng đồng đội Lan Linh (đai đen phải) được cô Kim Hoa nguyên Hiệu phó trường Nguyễn Thị Minh Khai (giữa) và cô Hiếu Hạnh (trái), cô Phương Trinh chúc mừng sau khi đoạt HC bạc SEA Games 2009 trên đất Lào. Ảnh: NVCC

Định hướng của nhà trường

Một điểm mà bác sĩ Vân Anh vẫn luôn nhấn mạnh khi kể về thời còn tập luyện và thi đấu judo chính là sự quan tâm và tạo điều kiện tối đa của nhà trường. Cô kể: “Ở SEA Games tại Lào, cô hiệu phó Nguyễn Thị Kim Hoa sang tận Viêng Chăn cổ vũ cho chúng tôi. Buổi tập nào ở Lào của tôi và Lan Linh cũng có mặt cô, dù cô chưa từng tập qua judo”. Trước giờ thi đấu, Hiệu trưởng khi ấy của trường Nguyễn Thị Minh Khai, cô Dương Thị Trúc Bạch đã điện thoại sang động viên hai võ sĩ – học sinh của trường. Sự quan tâm của Ban Giám hiệu làm Vân Anh – Lan Linh rất cảm động, và là động lực để cả hai thi đấu tốt.

Trong lần gặp gỡ sau chiếc HC bạc năm 2009 của “lò” Nguyễn Thị Minh Khai, cô Trúc Bạch từng kể: “Nếu đưa thể thao vào trường học và xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với mỗi cấp lớp, chúng ta sẽ có cả một quãng đường dài để rèn luyện cho các em cả về chuyên môn lẫn phẩm chất đạo đức”. Vị giáo chức này cho rằng xây dựng thể thao học đường không thể thành công, nếu chỉ chạy đua theo phong trào, mà phải đầu tư lâu dài và có kế hoạch cụ thể, bài bản cho từng giai đoạn. Ban huấn luyện cũng phải bao gồm những HLV có uy tín, trình độ chuyên môn cao và nhiệt huyết.

Với định hướng đó, các CLB Judo ở trường Nguyễn Thị Minh Khai lâu nay vẫn là sân chơi yêu thích của nhiều học sinh, và đều đặn mang về những thành tích tốt. Mới nhất, Trần Lê Phương Nga, VĐV giành HC đồng ở SEA Games 30 và 31, là cựu học sinh của trường. Phương Nga vẫn nhớ về lần đầu tập Ju no Kata – bài quyền sở trường của chị: “Lúc đầu, tôi gặp nhiều khó khăn vì thể lực chưa tốt. Nhưng nhờ có hướng dẫn tận tình, am hiểu sâu rộng về kỹ thuật và quyền thuật của cô Phương Trinh, tôi đã vượt qua, và dần dần yêu thích bài Ju no Kata”. Sau một thời gian, võ sĩ này – đồng thời là một giáo viên Nhật ngữ hiện tại – đã chọn tập trung vào thi đấu kata hơn là đối kháng.

Truyền thống ở CLB Judo Nguyễn Thị Minh Khai được tiếp nối không chỉ ở thành tích thể thao, mà còn ở kết quả học tập. Tại giải vô địch Judo Toàn quốc 2020, cả ba học sinh của trường giành HC đồng ở bài quyền Ju no Kata, và bài quyền Kodokan Goshin Jusu đều trong năm học lớp 12, và sau đó đều thi đỗ vào những trường đại học tốt. Cao Khải Minh vào Khoa Công nghệ Thông tin trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Lâm Nguyễn Bảo Châu đậu trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Nguyễn Vũ Hoàng Mai trở thành sinh viên ngành Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo của Đại học RMIT.

the-thao-hoc-duong-judo-viet-nam-sports-vui
Trần Lê Phương Nga – người đứng, thực hiện đòn – biểu diễn bài Ju no Kata giành HC đồng ở SEA Games 30 tại Philippines. Ảnh: Hữu Hạnh

“Mái nhà” judo

Cũng với mục tiêu “học tốt, tập tốt”, mũi nhọn thứ hai của thể thao học đường tại TP.HCM là CLB Judo Nguyễn Du đã có dấu ấn đậm nét tại SEA Games 31 khi bốn trong số tám thành viên ở đội judo kata Việt Nam là cựu học sinh của trường này. Cả Trần Quốc Cường, Phan Minh Hạnh, Hà Minh Minh Đức lẫn Nguyễn Cường Thịnh đều có những ngày học thắt đai, tập té những thế cơ bản từ trường cấp III. Họ cũng thân thiết với nhau như anh em một nhà. Và khi được hỏi về tập võ ở trường Nguyễn Du, Quốc Cường, Minh Hạnh, Minh Đức và Cường Thịnh có thể dành cả ngày để kể về “mái nhà judo”, và về “cô Tú của đội”. Những ngày tháng tập luyện, thi đấu, tập huấn cùng nhau, những buổi cô trò mướt mồ hôi chung sức tu sửa võ đường… là những kỷ niệm sâu sắc về thời học trò của bốn chàng trai này.

“Học judo khi ấy thật vui, từ việc được cô dạy những đòn thế mới, được các anh chị lớn trong đội hướng dẫn thêm, đến những dịp thi lên đai. Tôi nhớ hoài cảm giác hồi hộp khi đứng xếp hàng, đợi gọi tên ở lần đầu tiên đi thi đai cam – bậc đai thấp trong judo, chỉ hơn đai trắng và đai vàng”, Thạc sĩ Minh Đức kể. Cùng thi và cùng giành HC bạc với Minh Đức ở bài quyền Kodokan Goshin Jutsu tại SEA Games 31 vừa qua, Cường Thịnh đăng ký học môn võ này từ năm lớp 10 để rèn luyện thể chất, và chỉ sau một thời gian, anh đã xem Judo Nguyễn Du là “gia đình thứ hai”. Võ sĩ này đang làm ở ngành thiết kế đồ họa, và vào giai đoạn tăng cường luyện tập chuẩn bị cho thi đấu, anh luôn cố gắng làm xong việc trước thời hạn để có thể chủ động về thời gian.

Minh Hạnh, kỹ sư điện tử hiện làm việc cho một công ty Mỹ về công nghiệp bán dẫn, đến với judo năm lớp 12 để “tập cho khỏe”. “Những ngày đầu tập té, về nhà tôi ê ẩm cả người, nhưng vì nhiệt tình của cô Tú và sự cuốn hút của các đòn thế judo, càng lúc tôi càng hào hứng”, Hạnh kể. Sau khi thi đại học xong, anh bắt đầu tham gia vào lớp chuyên sâu của CLB Nguyễn Du, và “mê” đến mức ngày nào không có lịch học ở trường đại học thì tập luôn ba cữ. Theo sát Hạnh trong giai đoạn ấy, ngoài cô Thủy Tú, còn là “sư huynh” Quốc Cường – đồng đội vừa cùng nhận HC vàng bài quyền Kodokan Goshin Jutsu tại SEA Games 31. Thời học trò, thành tích đầu tiên mà anh giành được là ở giải Vô địch Judo Đông Nam Bộ mở rộng, “chỉ là HC đồng nhưng vui lắm”. Và Hạnh còn thắng ở trận tranh HC đồng ấy nhờ đòn sở trường mà “sư huynh” Cường đã hướng dẫn.

the-thao-hoc-duong-judo-viet-nam-sports-vui
HLV Thủy Tú và các thành viên của Judo Nguyễn Du tham dự các nội dung quyền ở Cup các CLB Judo Toàn quốc năm 2020. Ảnh: NVCC

Hơn 10 năm tập luyện chung đội giúp Quốc Cường – Minh Hạnh cực kỳ hiểu ý nhau, một yếu tố rất quan trọng khi tập quyền trong judo. “Một nhịp nhanh – chậm, hay sai sót của đồng đội, chúng tôi đều cảm nhận được. Do đó, không quá khó để cả hai hoà hợp và thống nhất ý kiến trong các động tác kỹ thuật của bài kata”, Cường cho biết. Cường cũng là người duy nhất trong “bộ tứ” chọn theo đường thể thao, có thời gian thi đấu chuyên nghiệp, và trở thành HLV môn judo. Và dù đi đâu, anh vẫn nhớ về “nhà Judo Nguyễn Du” và về cô giáo cũ bằng tất cả sự trân trọng, quý mến. Quốc Cường kể, cô Tú hết lòng vì học trò, không màng lợi ích của bản thân mà luôn đặt lợi ích của “đám nhỏ” lên trên hết. Đáp lại, cả đội tập hết mình, tập có thể rất mệt nhưng không bao giờ thiếu tiếng cười. Anh chị lớp trước chỉ dẫn đàn em, bạn nào nhà khá giả thì sẵn sàng hỗ trợ đồng đội khi cần… Vì vậy, về sau, dù bận tập luyện và thi đấu chuyên nghiệp, hễ có thời gian, Cường lại về “mái nhà thứ hai” phụ cô huấn luyện các lớp sau.

Khi được HLV Nguyễn Thanh Tài – người đã có công phổ biến việc tập luyện tại Việt Nam cả 5 bài quyền trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Judo Quốc tế (IJF) – gọi vào đội kata chuyên sâu, Cường đã làm cầu nối để các thành viên có “căn cơ” tốt của Judo Nguyễn Du cùng tham gia. Tập luyện quyền chính là cách để các học sinh và cựu học sinh của trường Nguyễn Du có cơ hội theo đuổi một cách bền bỉ niềm đam mê judo của mình. Và đến kỳ SEA Games trên sân nhà vừa rồi, các sư huynh đệ từ sân chơi học đường ấy đã cùng nhau bước ra sân chơi của khu vực, mang về một HC vàng, một HC bạc cho đoàn Việt Nam.

(Nguồn: Lan Chi/VNExpress)