Vĩnh biệt cựu danh thủ có ‘đôi chân chim’ nổi tiếng của bóng đá Việt Nam
‘Đôi chân chim’ là biệt danh mà giới bóng đá miền Nam trước đây đặt cho Võ Bá Hùng, một tiền vệ tài hoa lừng lẫy một thời, 2 lần á quân SEAP Games. Ngày 23.8, ông đã qua đời ở tuổi 85.
Nói đến Võ Bá Hùng (sinh năm 1940), không một người yêu bóng đá miền Nam nào trước 1975 và những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất không ai không biết đến.
Ông là thủ quân của đội AJS và đội tuyển miền Nam sau đó là nhạc trưởng của đội Công nhân Hóa Chất từng để lại dấu ấn trên nhiều sân cỏ trong nước và quốc tế. Ông là người cùng thời với cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, Nguyễn Văn Mộng, đã từng giành 2 huy chương bạc 2 kỳ SEAP Games năm 1967, 1973, 4 lần dự SEAP Games từ năm 1967-1973 và đồng vô địch giải Petra Sukan, một giải đấu danh giá của Singapore năm 1971.
Điều đặc biệt mà nhiều người nhớ đến Võ Bá Hùng chính là đôi chân kỳ diệu của ông. Đôi chân nhỏ tương xứng với thân hình chỉ cao khoảng 1,60 m của ông và nhỏ hơn rất nhiều so với những cầu thủ cùng thời trạc tầm vóc đó như Đỗ Thới Vinh, Huỳnh Văn Chiến hay sau này là Đinh Văn Tám.
Nhiều chuyên gia xem đôi chân của Võ Bá Hùng đều ngạc nhiên vì có một chút khác thường mà khi đó họ ví như đôi chân “chim”. Bởi 2 bàn chân của ông chỉ vừa vặn với loại giày size nhỏ nhất (số 5), được thiết kế đặc biệt dành riêng cho ông. Chân đã nhỏ nhưng mu bàn chân của ông Hùng dày thịt nên nếu mang đôi giày số 5 bình thường, ông không thể siết chặt dây và khó chạy được, nên đôi giày ông mang đều phải đặt làm riêng mới có thể giúp ông thoải mái khi chơi bóng.
Không biết có phải nhờ đôi chân “chim” hay không mà ông Võ Bá Hùng trong vai trò kiến thiết ở giữa sân luôn nổi tiếng về sự tinh tế khi xử lý bóng. Nhờ cổ chân rất dẻo và động tác ra chân lắc bóng rất điệu nghệ, nên những đường chuyền khi thì chọc khe, lúc “xỏ lỗ”, khi ngắn lúc dài của danh thủ này làm cho hậu vệ đối phương bị “sửa lưng” hoặc giật mình không thể phán đoán. Ông thường xuyên chuyền như đặt cho các đồng đội như Trần Tiết Anh hay Trương Văn Tư (tức Tư béo) ghi bàn.
Tôi còn nhớ năm 1977 khi đội Công nhân Hóa Chất thi đấu với đội Công an Hà Nội và thua với tỷ số đậm là 2-5 thì 2 bàn thắng của đội bóng TP.HCM có một do Tư béo ghi từ cú sút xa cực mạnh. Pha bóng đó xuất phát từ cú mở bóng rất thông minh vào khoảng trống phía sau hàng thủ của Võ Bá Hùng. Ông được giới yêu bóng đá thời đó ca ngợi như một “sóc nhỏ” có kỹ năng vô cùng lợi hại không thua gì “ông vua” tuyến giữa Đỗ Thới Vinh trong sơ đồ chiến thuật 4-2-4. Lối đá của ông còn biến hóa khôn lường, luôn gây bất ngờ và làm chao đảo các hàng phòng ngự đối phương. Thời đó bóng đá TP.HCM có những cặp tiền vệ rất xuất sắc như Cang-Vinh (Hải Quan), Thà-Mười (Cảng Sài Gòn), Hạnh-Thương sau này là Quang (Xi măng Hà Tiên, Sở Công nghiệp) thì Võ Bá Hùng và Huỳnh Văn Chiến vẫn được xem là nổi bật nhất.
Cũng như nhiều cựu danh thủ khác khi giã từ sự nghiệp, ông Võ Bá Hùng cũng ao ước trở thành một HLV để truyền đạt lại kiến thức và kinh nghiệm của mình cho lứa trẻ. Nhưng so với các đồng đội cùng thời như Tam Lang, Hồ Thanh Cang thì ông Hùng lại không may mắn “cầm” các đội bóng có số má. Vì thế ông phải đầu quân về Công ty cấp nước TP.HCM và dẫn dắt đội bóng này đá phong trào và hạng A2. Đến cuối thập niên 1980, đội Lão tướng Văn phòng UBND TP.HCM ra đời với Võ Bá Hùng làm HLV. Đội hình thời đó rất mạnh với Bùi Thái Huệ, Đỗ Cẩu, Cù Hè, Lê Kim Thanh (Bình lùn), Trần Ngọc Hải (Hải soa), Nguyễn Văn Thành, có cả ông Trần Văn Tạo sau này là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP.HCM nhiệm kỳ 2003-2007 và nghệ sĩ Việt Anh. Đội đá đâu thắng đó ở sân chơi phong trào và duy trì tập luyện rất đều đặn.
Không dừng lại ở đội lão tướng, ông Võ Bá Hùng còn rất quan tâm, trăn trở với bóng đá TP.HCM. Có lần ông Hùng kể lại với chúng tôi: “Tôi được ông Võ Văn Kiệt giao tập hợp ý kiến anh em cựu danh thủ hiến kế, viết đề án xây dựng cho bóng đá thành phố. Sau nhiều lần chấp bút, chỉnh sửa, khi trình lên được chú Sáu hoan nghênh và chỉ đạo giao lại cho Liên đoàn Bóng đâ TP.HCM xem xét thực hiện. Nhưng tôi chờ mãi không thấy động tĩnh gì từ các cấp có trách nhiệm, rồi sau đó mọi chuyện rơi vào quên lãng”. Sau “cú sốc” đó, ông Võ Bá Hùng có lúc đã nghĩ đến chuyện thuê sân làm trung tâm đào tạo trẻ của riêng mình, vì thấy TP.HCM lãng phí rất nhiều những danh thủ một thời, không sử dụng họ trong vai trò tìm kiếm, phát hiện, đào tạo tài năng trẻ. Ý định này cuối cùng cũng không thành vì kinh phí là một chuyện nhưng cái chính là ông không được tạo điều kiện tốt để đóng góp.
Một trong những nét đáng nhớ khác của ông Võ Bá Hùng theo lời kể lại của cố danh thủ Tam Lang, Nguyễn Văn Mộng và chính ông trước đây là ông từng cùng những đồng đội một thời này kết nối đưa ý tưởng mời HLV Weigang dẫn dắt đội tuyển bóng đá Việt Nam vào đầu năm 1995.
Ông Võ Bá Hùng từng kể: “Gần 30 năm sau ngày mà ông Weigang chia tay đội tuyển miền Nam, tình cờ tôi được biết ông tham gia giảng cho lớp HLV của FIFA tổ chức tại Hà Nội nên đã nhờ người liên hệ, tập hợp các anh em cựu cầu thủ như Tam Lang, Mộng tổ chức đón ông bay vào TP.HCM. Trong lần hàn huyên sau thời gian dài xa cách đó, chúng tôi đã đưa ra lời thỉnh cầu và bày tỏ hy vọng ông tiếp tục giúp đỡ cho bóng đá Việt Nam. Sau đó chúng tôi có gửi thư cho một lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) kể lại câu chuyện với ông Weigang và có đưa ý đó khi phát biểu đóng góp xây dựng cho bóng đá Việt Nam với chú Sáu Dân. Điều tôi rất mừng là chỉ vài tháng sau khi trở lại Việt Nam, ông đã chính thức trở thành HLV trưởng đội tuyển. Từ đó Việt Nam mới có chiếc huy chương bạc đầu tiên tại SEA Games sau 20 năm không tham dự”.
Dẫu biết rằng đóng góp của ông Võ Bá Hùng với bóng đá cả nước so với nhiều người khác khó thể sánh bằng, nhưng từng tiếp xúc với ông ở thập niên 90 thế kỷ trước và đầu những năm 2000, tôi luôn biết ông rất trăn trở và suy tư về bóng đá nước nhà.
Do thất vọng vì hiến kế của mình không được đáp lại dù chỉ là những nét cơ bản nên những năm sau này ông rút về phía sau, không còn thường đến sân Thống Nhất xem bóng đá nữa. Nhưng ông vẫn hay gọi điện cho tôi để đưa ra những bình luận, nhận xét về bóng đá TP.HCM và các trận đấu khác của những đội bóng mạnh của cả nước. Có lần ông còn tham gia bình luận trên một đài truyền hình, phân tích rất thấu đáo tình hình bóng đá nước nhà. Qua tuổi 80, sức khỏe đi xuống, ông không còn sự minh mẫn nữa và rồi chuyện đến cũng phải đến khi ông qua đời ở tuổi 85. Chia tay ông, một cựu danh thủ tài năng của bóng đá miền Nam, một nhà kiến thiết bóng tài tình, một người luôn đau đáu và hết lòng kết nối những tấm lòng vì bóng đá. Ông yên nghỉ thanh thản ông Hùng nhé!