Ông Lê Hùng Dũng và thập niên đổi đời của bóng đá Việt Nam

Trước khi lùi vào hậu trường để chữa bệnh rồi qua đời sáng 17/6, cố Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã kinh qua giai đoạn biến động nhất của lịch sử bóng đá Việt Nam.

Một ngày hè cách đây 17 năm tại khách sạn Sheraton (Hà Nội), Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tiến hành Đại hội nhiệm kỳ 5 (2005-2008). Đây là kỳ đại hội đặc biệt với số lượng thành viên ban chấp hành đông nhất. Chưa đại hội nào mà các cuộc vận động hành lang lại rầm rộ đến như vậy, khi các vị trí chủ chốt đều có ít nhất hai ứng viên nặng ký. Đó cũng là kỳ đại hội duy nhất mà những chiếc ghế lãnh đạo VFF có các “cuộc đua” thực sự, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Và ông Lê Hùng Dũng, người gần như vô danh trước đó trong giới thể thao, đắc cử ghế Phó chủ tịch phụ trách tài chính sau khi vượt qua những đối thủ nặng ký như Đỗ Khắc Ngọc – Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank, Nguyễn Quốc Kỳ – CEO của Vietravel. “Chiến thắng” của ông Dũng đến từ bộ hồ sơ dày cộp thuyết trình về khả năng kiếm tiền cho bóng đá Việt Nam, cùng tuyên bố sẽ thưởng ngay sáu tỷ đồng nếu U23 Việt Nam đoạt HC vàng SEA Games năm đó. Con số ấy là cú sốc, bởi lần đầu tiên có một mục tiêu rõ ràng như vậy về việc kiếm tiền. Trong năm đó, V-League chỉ nhận chưa đến chín tỷ đồng cho cả mùa giải.

Ông Lê Hùng Dũng điều hành một cuộc họp của VFF lúc sinh thời. Ảnh: Đức Đồng

Cách ông Dũng khởi đầu giai đoạn làm việc tại VFF cũng vẽ nên chân dung của ông suốt ba nhiệm kỳ làm lãnh đạo ở tổ chức này. Ông là con người của hành động, thời cuộc và những tham vọng trong công tác tài chính của VFF. Đó là điểm mạnh, cũng chính là điểm yếu mà ông bị không ít thành phần khác trong bóng đá Việt Nam khó chịu, phản đối. Không phải mọi kế hoạch táo bạo của ông Dũng đều thành công, như ý tưởng đầu tư 50 tỷ mua cổ phần ngân hàng để sinh lợi, hay mục tiêu đem về nguồn thu gần 400 tỷ đồng cho nhiệm kỳ 7, khi ông đắc cử Chủ tịch.

Đam mê lớn nhất của ông Dũng là xe cổ. Ông vốn là một nhà sưu tập có tiếng tăm trước khi tham gia vào bóng đá với nhiệm vụ ban đầu được giao khi đang là Giám đốc Khách sạn Festival của Trung ương Đoàn. Tưởng cũng chỉ là một cuộc “dạo chơi” khác, nhưng ông Dũng làm bóng đá quyết liệt đến mức không ai ngờ.

Có nhiều luồng ý kiến về ông Dũng, nhưng có một điều không ai có thể phủ nhận, ông vừa là nhân chứng, vừa là một “người được chọn” để tạo nên một thập niên thay đổi hoàn toàn bóng đá Việt – khởi đầu từ vụ án bán độ tại SEA Games 2005 và kết thúc bằng bản hợp đồng lịch sử với HLV Park Hang-seo.

Cái ngày ông Dũng được bầu làm Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính, bên ngoài hành lang khách sạn Sheraton, các ông bầu – doanh nhân hàng đầu đi lại như con thoi để vận động bỏ phiếu cho “người của mình”. Chiến thắng của ông Dũng khi đó đánh dấu thời điểm mà bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam thực sự chuyển mình, mở ra khả năng “làm ra tiền” cho bóng đá. Năm 2008, khi đang là Chủ tịch Ngân hàng Eximbank, ông Dũng đã tài trợ cho V-League với 30 tỷ đồng, cao gần hơn ba lần so với thời kỳ trước. Năm 2011, ông Dũng bị bầu Kiên lớn tiếng chỉ trích ngay tại cuộc họp VFF, nhưng chính ông có lẽ cũng ủng hộ nhiệt thành cho sự ra đời của Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Bởi, trong dàn lãnh đạo VFF khi đó nếu không có một doanh nhân sẵn sàng vì đại cục như ông Dũng, mọi chuyện sẽ khó suôn sẻ để VPF có thể đi vào hoạt động chỉ sau ba tháng, từ lúc lên ý tưởng cho đến lúc vận hành.

Năm 2014, khi bóng đá Việt Nam khủng khoảng nhất với các thất bại liên tiếp tại SEA Games và AFF Cup, ông Dũng vẫn trụ lại. Bầu Đức từng nói “trong cuộc đời tôi chưa từng làm phó cho ai, nhưng sẵn sàng làm phó cho anh Dũng” khi nhận lời ngồi vào ghế Phó chủ tịch Tài chính. Đại hội VFF kỳ đó, không ai xung phong ứng cử cho chiếc ghế chủ tịch. Bóng đá Việt Nam lao dốc không phanh. Mọi thứ khi đó chỉ được “chặn” lại nhờ sự xuất hiện của lứa cầu thủ U19 đến từ HAGL. Bằng quyền lực của bản thân, ông Dũng đã “bật đèn xanh” để “những đứa trẻ của bầu Đức” có suất đá tại đội U23 và thậm chí cả đội tuyển quốc gia cho dù HLV Toshiya Miura khi đó không hề có ý định sử dụng họ. Lòng tin của ông Dũng lớn đến mức, có lẽ chưa từng có lãnh đạo bóng đá Việt Nam nào lại mạnh dạn tuyên bố công khai “Việt Nam sẽ dự World Cup 2022” như ông ở thời điểm 2014.

Nói về thú chơi xe cổ, ông Dũng từng cho biết, sự hấp dẫn của đam mê ấy đến từ những chi tiết độc đáo của từng chiếc xe. Khi làm bóng đá, ông Dũng cũng chú trọng đến các chi tiết mà với ông, nó tạo ra sự khác biệt. Đó có thể là lý do mà giữa lúc chẳng ai muốn dính vào bóng đá, ông vẫn hăng say nói về các con số, nguồn thu đem về cho bóng đá Việt Nam, kể cả khi nhiều người cho rằng ông quá tham vọng với chiếc ghế Chủ tịch VFF nên “đem tiền ra khoe”.

Nhưng thời gian trôi qua, cũng phần nào cho thấy những đáp án về giai đoạn làm bóng đá của ông Lê Hùng Dũng. Đó là lứa học viên đầu tiên của học viện HAGL, là thế hệ tài năng từng dự U20 World Cup nay là trụ cột của đội tuyển. Và khi ông nghỉ bóng đá từ 2016, chính các cộng sự trong nhiệm kỳ của ông như bầu Đức hay quyền chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đã tiếp nối công việc để bóng đá Việt Nam thăng hoa như lúc này.

(Nguồn: Song Việt/Vnexpress)