Điềm báo chấn thương ở World Cup 2022
Cuộc khủng hoảng ở Barcelona hay tuyển Pháp hiện tại chỉ là hai trong nhiều minh chứng cho thấy World Cup 2022 sẽ có nhiều những ngôi sao mệt mỏi.
Khi đội ngũ y tế của tuyển Hà Lan thông báo Frenkie de Jong chỉ phải nghỉ 1 tuần, ban lãnh đạo Barca chắc chắn thở phào. Tiền vệ người Hà Lan rời sân sau hiệp 1 cuộc đối đầu với Ba Lan rạng sáng 24/9 (giờ Hà Nội), bằng những bước đi tập tễnh. Nhưng anh không phải cầu thủ Barca duy nhất dính “virus FIFA”.
Ronald Araujo, Jules Kounde, Memphis Depay và Ousmane Dembele là 4 cái tên khác gặp vấn đề sức khỏe trong lúc tập trung ĐTQG. Đợt tập trung tháng 9 của các ĐTQG chỉ mới đi qua nửa chặng đường, và trong một tuần tới, Barca lo lắng họ có thể đón thêm “bệnh binh” trở về.
Ở tuyển Pháp, tình hình chấn thương còn nghiêm trọng hơn. Đội bóng của HLV Didier Deschamps ghi nhận tới 12 ca chấn thương trước khi loạt trận tháng 9 của các ĐTQG diễn ra. Sau khi tuyển Pháp thắng Áo 2-0 ở Nations League rạng sáng 23/9 (giờ Hà Nội), họ chứng kiến thêm 3 ca chấn thương khác của thủ môn Mike Maignan (AC Milan), Ousmane Dembele (Barca) và Boubacar Kamara (West Ham).
Hai cuộc khủng hoảng chấn thương kể trên báo hiệu một kỳ World Cup 2022 suy kiệt về thể lực với nhiều cầu thủ. Ngay cả những ngôi sao có nền tảng thể chất tốt và được đặt những biệt danh kiểu như “quái vật” hay “người không phổi”, việc phải thi đấu liên tục trong bóng đá hiện đại khiến họ gặp rủi ro lớn.
Sự quá tải
Virgil van Dijk từng là một “quái vật” trong mắt nhiều chuyên gia và người hâm mộ. Sở hữu chiều cao lên tới 1,92 m, nặng 92 kg, trung vệ người Hà Lan duy trì sự ổn định và phong độ cao trong thời gian dài.
Tuy nhiên, kể từ đầu mùa giải 2022/23, ngôi sao Liverpool bộc lộ dấu hiệu sa sút. Có nhiều lý do khiến Van Dijk chơi kém hơn những mùa giải trước, từ tuổi tác (anh năm nay 31 tuổi) đến việc các vệ tinh xung quanh ở Liverpool cũng sa sút. Tuy nhiên, việc Van Dijk phải cày ải liên tục ở mùa giải 2021/22 chính là một nguyên nhân quan trọng cho sự sa sút ở mùa giải này.
Tính từ tháng 9 năm ngoái, chỉ có một trung vệ trên thế giới sở hữu số phút thi đấu nhiều hơn Van Dijk. Đó là trung vệ Gustavo Gomez của Palmeiras với 6335 phút thi đấu (Opta). Van Dijk có 5853 phút thi đấu và đứng thứ hai trong danh sách. Nói cách khác, kể từ khi trở lại ở đầu mùa giải 2021/22, trung vệ người Hà Lan đã chơi nhiều hơn bất cứ cầu thủ nào khác ở châu Âu.
Tính từ tháng 9 năm ngoái, có 9 cầu thủ khác ở châu Âu vượt qua mốc 5.500 phút thi đấu trong một năm qua. Nếu tính từ cột mốc 5.000 phút thi đấu, có 40 ngôi sao đáp ứng thời gian cày ải này. Phần lớn trong số họ đều là các cầu thủ hàng đầu như Harry Kane (5.535 phút thi đấu), Joao Cancelo (5.741), Antonio Rudiger (5.657), Milan Skriniar (5.576).
Số phút thi đấu ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe cầu thủ? Trước trận chung kết Champions League 2022, Hiệp Hội Cầu Thủ Quốc Tế (FIFPRO) công bố kết quả khảo sát từ 92 chuyên gia gồm các huấn luyện viên thể lực, nhà khoa học thể thao hay bác sĩ. Khoảng 59,8% số chuyên gia được hỏi nói các cầu thủ chỉ nên chơi tối đa 4.500 phút thi đấu trong một năm. Phần lớn (97,8%) các chuyên gia được hỏi đồng ý rằng mốc 5.500 phút thi đấu cho một cầu thủ trong mùa giải là “lằn ranh đỏ”.
Theo dự báo từ FIFPRO, đến World Cup 2022, có khoảng 105 cầu thủ dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh sẽ cán mốc hơn 5.000 phút thi đấu, tính trong một năm dương lịch. Tuyển Argentina dự kiến có 5 cầu thủ cán mốc này, Tây Ban Nha có 9, Brazil có 11, Đức có 6, Anh có 10 và Pháp có 11.
Không có gì bất ngờ khi Pháp, đội tuyển dự kiến có số lượng cầu thủ “cày ải” nhiều nhất ở World Cup 2022 đang gặp khủng hoảng chấn thương. Cũng trong một cuộc khảo sát khác của FIFPRO với 1055 cầu thủ và HLV chuyên nghiệp, 55% số người được hỏi khẳng định việc thi đấu quá nhiều trận là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chấn thương. 97% các HLV cho biết việc thi đấu quá nhiều trận làm tăng nguy cơ chấn thương.
UEFA và FIFA phải chịu trách nhiệm
Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA) tạm hoãn kế hoạch mở rộng số đội tham dự Euro 2028 từ 24 lên 32. Sức ép từ các liên đoàn bóng đá thành viên và hiệp hội cầu thủ, HLV khiến các nhà lãnh đạo của bóng đá châu Âu phải hoãn kết mở rộng giải đấu hàng đầu cấp ĐTQG.
“Các dự án của UEFA sẽ mang về nguồn lợi tài chính lớn trong ngắn hạn nhưng về lâu dài sẽ làm chất lượng giải đấu đi xuống”, Molango, Chủ tịch Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) đánh giá vào tháng 3, “Chúng tôi luôn lo ngại rằng các cầu thủ là phía chỉ được phát biểu cuối cùng. PFA sẽ gặp UEFA để bàn thảo về vấn đề này”.
Song, động thái của UEFA dường như chỉ nhằm xoa dịu tình hình. LĐBĐ châu Âu đang dự tính tổ chức thêm giải đấu “Siêu cúp châu Âu”, với sự tham gia của các đội bóng từ châu lục khác. Trong tương lai, các trận đấu ở Champions League có thể được tổ chức tại Bắc Mỹ và châu Á.
Giống như UEFA, FIFA cũng muốn tăng số trận đấu trong năm để kiếm thêm tiền bản quyền truyền hình và thương mại. World Cup 2026 sẽ có 48 đội tham dự. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các cầu thủ. Và đừng ngạc nhiên nếu giải đấu tại Qatar vào tháng 11 tới chứng kiến những ngôi sao mệt mỏi hoặc dính chấn thương.
(Nguồn: Zingnews)