Chelsea thường vô địch khi đóng vai ‘kèo dưới’

Người hâm mộ có thể lầm to nếu chắc mẩm rằng PSG sẽ vô địch FIFA Club World Cup vì sức mạnh áp đảo, bởi đối thủ của họ ở chung kết chính là một Chelsea thường thăng hoa mỗi khi vào vai “kèo dưới”.

Đăng lúc 16:43/ 13/07/2025

Thật vậy, không một người hâm mộ bóng đá nào có thể quên được hành trình vô địch Champions League mùa giải năm 2012 của Chelsea.

Mùa giải phi thường của dàn sao già cỗi

Cho đến tận tháng 3 năm đó, tức thời điểm mùa giải đã trôi qua khoảng 70% giai đoạn, Chelsea vẫn chìm trong sự thảm họa.

Họ phải sa thải HLV Andre Villas-Boas vào tháng 3, thời điểm đội đã văng khỏi top 4 Premier League. Còn ở Champions League, Chelsea thua 1-3 ở trận lượt đi vòng 16 đội gặp Napoli. 

Thế rồi Roberto Di Matteo lên tạm quyền. Một sự lựa chọn mà đa phần fan Chelsea khi đó còn tin là chỉ để… cho xong mùa giải thảm họa. 

Thế rồi phép màu xuất hiện thực sự, Chelsea thắng lại Napoli 4-1 trong trận lượt về, chỉ 1 tuần lễ sau khi HLV Di Matteo được bổ nhiệm. 

Họ nhọc nhằn vượt qua Benfica ở tứ kết, rồi chạm trán Barca hừng hực khí thế ở bán kết. Năm đó Barca còn trong tay Pep Guardiola, khiến cả châu Âu phải quỳ rạp trước sức mạnh tuyệt đối của tiki-taka. 

Cho đến tận sau trận lượt đi, dù Chelsea đã thắng 1-0, cả châu Âu vẫn tin Barca sẽ dễ dàng “làm gỏi” đối thủ tại Camp Nou. Một trong những niềm tin mù quáng nhất của làng bóng đá. Kết cục Chelsea thắng 3-2 chung cuộc và giành vé vào chung kết.

Chelsea - Ảnh 2.
Khoảnh khắc Messi gục đầu sau khi đá hỏng phạt đền ở lượt về bán kết – Ảnh: REUTERS

Cho đến mãi sau này, người hâm mộ vẫn còn đắn đo cho 3 trận thắng khó tin nhất của Chelsea năm đó. Đầu tiên là cuộc lội ngược dòng trước Napoli trong thế bị dẫn 2 bàn, kế đến là chiến tích quật ngã Barca hùng mạnh, và sau cùng là trận chung kết kỳ diệu trước Bayern Munich. 

Trọn vẹn mùa giải lạ lùng của Chelsea được gói ghém vào 90 phút tại Munich. Cần phải nhắc lại, đó là Munich, sân nhà Allianz Arena của Bayern Munich. “Hùm xám” nước Đức có tất cả mọi lợi thế, từ sân nhà cho đến thực lực, phong độ, tuổi tác của dàn ngôi sao…

Robben, Ribery, Muller, Schweinsteiger, Kroos, Boateng, Lahm, Neuer – toàn bộ các trụ cột của Bayern Munich năm đó đều trong khoảng 22 – 29 tuổi, tức giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp. 

Trái lại, Chelsea năm đó vẫn còn viện nhờ đến dàn hảo thủ từ thời Mourinho, với Lampard, Drogba, Cole, Bosingwa đều đã 32 – 34 tuổi, còn đội trưởng Terry vắng mặt vì án treo giò.

Diễn biến trên sân cho thấy sự chênh lệch rõ ràng về thực lực. Bayern Munich tạo ra một tá cơ hội, nhưng chỉ 1 lần tận dụng thành công với bàn thắng phút 83 của Muller. Nhưng gần như bằng đường tấn công duy nhất của trận đấu, Drogba gỡ hòa cho Chelsea ở phút 88.

Bước vào hiệp phụ, Robben bỏ lỡ phạt đền. Và đó là thời khắc người hâm mộ thấy rõ ràng hơn bao giờ hết kết cục đẹp cho mùa giải phi thường của Chelsea.

Chelsea - Ảnh 3.
Chelsea (áo xanh) quật ngã Bayern Munich theo cách cực kỳ khó tin – Ảnh: NYT

Quả nhiên sau cùng họ là người chiến thắng, với tỉ số 4-3 trong loạt sút luân lưu, để rồi giương cao chiếc cúp Champions League trong lịch sử. 

Nếu có một tập thể được xem là biểu tượng “lấy yếu thắng mạnh” trong bóng đá, chắc chắn đó phải là Chelsea của mùa giải 2011-2012. Họ vô địch Champions League bằng dàn trụ cột gần ngày nghỉ hưu, được dẫn dắt bởi một HLV chẳng tài năng gì mấy.

Vài tháng sau đó, HLV Di Matteo bị sa thải, rồi nhanh chóng biến mất trong làng bóng đá đỉnh cao. Nhưng chẳng hề gì, ông đã có khoảnh khắc lóe sáng đi vào ngôi đền huyền thoại. 

Đã thành thói quen?

Gần trọn 1 thập niên sau đó, Chelsea lại vô địch với thế kèo dưới. Đó là trong mùa giải 2020-2021. 

Kịch bản cũ lặp lại. Họ chơi cực tệ trong hơn nửa đầu mùa giải, thậm chí tụt xuống giữa bảng xếp hạng Premier League. Frank Lampard – trong vai trò HLV trưởng bị sa thải, và người thay thế là ông Thomas Tuchel.

Chiến lược gia người Đức có màn khởi đầu hoàn hảo khi đánh bại Atletico Madrid ở vòng 16 đội Champions League, trước khi tiến băng băng vào bán kết – đụng độ Real Madrid. 

Dù đã nhận được cảnh báo “không đùa được đâu” với Chelsea, Real Madrid chung cuộc vẫn phải nhận thất bại 1-3. Và chờ đón thầy trò ông Tuchel ở chung kết là Man City – đội bóng hừng hực khí thế chờ danh hiệu Champions League đầu tiên trong lịch sử. 

Có lẽ vì quá lo lắng trước đối thủ khó hiểu này, HLV Pep Guardiola đưa ra một loạt quyết định khó hiểu – bao gồm việc cất Rodri, Fernandinho, Aguero lẫn Gabriel Jesus trên ghế dự bị.

Chelsea - Ảnh 4.
Havertz ghi bàn thắng duy nhất của trận chung kết năm 2021 – Ảnh: REUTERS

Man City ra sân mà không có tiền vệ phòng ngự cũng như tiền đạo nào. Kết cục là họ thua 0-1, người ghi bàn lại là “chân gỗ” trứ danh Kai Havertz.

Chelsea lần thứ 2 đoạt Champions League trong lịch sử. Và cả 2 lần, họ đều vô địch với những màn thay tướng giữa mùa, với những cầu thủ không được đánh giá cao, trước những đối thủ có sức mạnh áp đảo. 

Đó thực sự là một thói quen lạ lùng của Chelsea. Bởi xuyên suốt hơn 2 thập niên kể từ khi đổi đời trong tay tỉ phú Roman Abramovich, “The Blues” chưa bao giờ thiếu ngôi sao. 

Có những giai đoạn Chelsea được đánh giá là hùng mạnh bậc nhất châu Âu, trong tay Jose Mourinho, Antonio Conte, Carlo Ancelotti… Nhưng rồi vào đúng những thời điểm bị đánh giá thấp, họ mới thực sự khiến làng bóng đá phải đau đầu.