Hungary ảnh hưởng thế nào đến cờ vua Việt Nam?

Khi nhắc đến ảnh hưởng của Hungary và gia đình kỳ thủ Hoàng Thanh Trang đến sự nghiệp cờ vua của anh, Đại kiện tướng Bùi Vinh dùng từ biết ơn.

Khoảng gần 30 năm qua, hầu hết Đại kiện tướng hay Kiện tướng quốc tế Việt Nam đều từng thi đấu và lấy chuẩn ở Hungary. Họ ở đó vài tuần, vài tháng thậm chí nhiều năm. Trong thời gian này, các kỳ thủ Việt Nam đều được gia đình kỳ thủ Hoàng Thanh Trang ở Hungary hỗ trợ mọi thứ vô điều kiện.

Câu chuyện có lẽ bắt đầu trên một chuyến tàu đến thành phố Miskolc, miền đông bắc Hungary. Hai nghiên cứu sinh Việt Nam, Hoàng Minh Chương và Nguyễn Thị Thanh Bình gặp và quen nhau trên con tàu ấy. Hai người có lẽ không nghĩ rằng họ sau này là ân nhân của nhiều kỳ thủ Việt Nam.

Các kỳ thủ hàng đầu Việt Nam sang Hungary thăm Tiến sĩ Hoàng Minh Chương và kỳ thủ Hoàng Thanh Trang năm 2018. Từ trái sang: GM Lê Quang Liêm, TS Hoàng Minh Chương, GM Hoàng Thanh Trang, GM Đào Thiên Hải, WIM Bạch Ngọc Thùy Dương, WGM Nguyễn Thị Mai Hưng, IM Phạm Lê Thảo Nguyên và GM Nguyễn Ngọc Trường Sơn. Ảnh: Thảo Nguyên

Ông Minh Chương từng học chuyên toán Tổng hợp khóa II năm 1966, về sau làm giảng viên Đại học Tổng hợp. Sau thời gian học ở Hungary, ông và bà Thanh Bình về Việt Nam và tổ chức lễ cưới. Năm 1980, họ đón con gái Hoàng Thanh Trang chào đời. Mười năm sau, ông Minh Chương được cử sang Hungary công tác ở Đại sứ quán Việt Nam, lo quản lý và giúp đỡ những nghiên cứu sinh đồng hương. Thanh Trang cũng theo gia đình sang Hungary định cư từ đó.

Ông Minh Chương và bà Thanh Bình sau này mở công ty và khách sạn ở Budapest, ngay sát nhà riêng. Với niềm đam mê cờ vua, gia đình này đã cho nhiều kỳ thủ Việt Nam sang Hungary thi đấu ở cùng nhà riêng hoặc khách sạn của họ. Các kỳ thủ khi sang đó phần lớn còn trẻ, và thường đi một mình nên không thể thiếu sự động viên tinh thần của gia đình kỳ thủ Thanh Trang.

Đại kiện tướng Bùi Vinh là một trong khoảng vài chục kỳ thủ Việt Nam từng sống cùng nhà hoặc khách sạn ông Minh Chương đầu những năm 2000. Kỳ thủ sinh năm 1976 nhiều lần sang Hungary đánh giải, đều được ông giúp đỡ tận tình. Ông Minh Chương không chỉ lo chỗ ăn nghỉ cho các kỳ thủ, còn dạy cho họ phương pháp và tư duy thi đấu. “Ông có rất nhiều phương pháp giúp tôi giữ vững tâm lý thi đấu, điều rất quan trọng trong cờ vua”, Bùi Vinh nói. “Chẳng hạn ông giao nhiệm vụ cho tôi trồng cây, làm vườn để quên đi mỗi thất bại”.

Các kỳ thủ hàng đầu Việt Nam sang Hungary thăm Tiến sĩ Hoàng Minh Chương và kỳ thủ Hoàng Thanh Trang năm 2018. Từ trái sang: GM Lê Quang Liêm, TS Hoàng Minh Chương, GM Hoàng Thanh Trang, GM Đào Thiên Hải, WIM Bạch Ngọc Thùy Dương, WGM Nguyễn Thị Mai Hưng, IM Phạm Lê Thảo Nguyên và GM Nguyễn Ngọc Trường Sơn. Ảnh: Thảo Nguyên

Tính tổng thời gian, Bùi Vinh ở cùng gia đình ông Minh Chương hai năm. Anh nói rằng có những kỳ thủ còn sống ở Hungary lâu hơn thế, như Đại kiện tướng Cao Sang ở đó hơn 10 năm. Siêu đại kiện tướng Lê Quang Liêm cũng ở Hungary ba tháng, và có sự hỗ trợ của gia đình này.

FIDE phong danh hiệu Kiện tướng quốc tế (IM) cho Bùi Vinh năm 2002, và Đại kiện tướng (GM) sáu năm sau đó. Việt Nam, thậm chí Đông Nam Á, không có nhiều giải lấy chuẩn IM hay GM. Các kỳ thủ Việt Nam phải đi xa hơn để tìm chuẩn, và Hungary được coi là bến đỗ phù hợp.

Hungary đã có một tổ chức cờ vua từ đầu thế kỷ 19. Đầu thế kỷ 20, họ thường đứng hàng đầu về môn thể thao trí tuệ này, với nhiều lần vô địch đồng đội thế giới. Người sáng tạo phương pháp tính hệ số Elo cờ vua hiện tại (ông Arpad Elo) cũng là người Hungary.

Hungary có một giải đấu lâu đời mang tên First Saturday, diễn ra hàng tháng để các kỳ thủ kiếm chuẩn IM hay GM. Không chỉ Việt Nam, giải còn thu hút nhiều kỳ thủ từ các quốc gia khác sang đánh lấy chuẩn.

Mô hình giải cũng được Bùi Vinh học hỏi, kết hợp với những kinh nghiệm thi đấu ở các nước khác như Mỹ, để tổ chức những giải cờ vua lấy chuẩn GM và IM đầu tiên tại Việt Nam. Giải đấu này đang diễn ra lần thứ hai ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, do Bùi Vinh làm trưởng ban tổ chức, dưới sự hỗ trợ của Liên đoàn cờ Việt Nam.

Việt Nam (phải) trong ván thắng Hungary ở Olympiad cờ vua 2022 hôm 3/8, sau năm lần gặp chỉ hòa và thua trước đó. Ảnh: FIDE

So với đất nước có truyền thống đánh cờ vua hàng trăm năm như Hungary, Việt Nam vẫn còn nhiều thứ cần học hỏi. Chiến thắng lịch sử 2,5-1,5 của đội tuyển nữ Việt Nam trước Hungary ở Olympiad cờ vua hôm 3/8 không phải thước đo đánh giá nền cờ hai quốc gia này.

Nhưng cờ vua Việt Nam cũng đang tạo ra những điểm tích cực, bên cạnh chiến thắng của đội nữ. Kỳ thủ số một Lê Quang Liêm cũng đang tiến sát Top 20 thế giới, với cách biệt chỉ một Elo. Các kỳ thủ trẻ cũng có thêm lựa chọn lấy chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam, thay vì phải sang Hungary như trước. Giải cờ vua quốc tế HDBank trở lại vào tháng 10 tới, cũng đánh dấu lần thứ 10 giải được tổ chức. Những sân chơi cờ vua xuất hiện nhiều hơn ở Việt Nam là nền tảng quan trọng để nền thể thao trí tuệ này vươn tầm thế giới trong tương lai.

(Nguồn: Vnexpress)