Cần có tổng công trình sư kết nối để bóng đá Việt Nam bay cao

Bóng đá Việt Nam hiện nay đang thiếu một giám đốc kỹ thuật giỏi đủ khả năng trở thành một tổng công trình sư đưa ngôi nhà bóng đá Việt Nam tạo nền móng vững chắc để bay cao, bay xa.

Chuyên gia bóng đá Vũ Tiến Thành phân tích: “Muốn cho cầu thủ trẻ thực sự tiến bộ và đứng được một cách hiệu quả trên đôi chân của mình, điều quan trọng đầu tiên là phải có triết lý dạy bóng đá tấn công, phải hình thành kỹ năng kiểm soát bóng và tư duy chơi bóng theo kiểu chiến thuật 4-3-3. Cầu thủ trẻ thấm nhuần điều đó rồi thì phải trao cơ hội thường xuyên ra sân, giúp họ phát huy những kiến thức đã lĩnh hội, phải rèn cho được tư tưởng chơi bóng phải luôn hướng về phía trước, phải đá áp đặt và đủ tự tin, sức mạnh để đối đầu với bất kỳ đối thủ nào. Lứa U.23 vừa rồi thành công chính nhờ HLV đã đưa triết lý đó vào áp dụng, dĩ nhiên thời gian quá ngắn nên mọi thứ chạy đà chưa phải đã trơn tru, nhưng nếu ông Gong Oh-kyun cầm thêm 6 tháng đến 1 năm lứa U.23 Việt Nam này tôi tin chắc chắn sẽ rất hay”.

Theo ông Thành, cầu thủ trẻ quan trọng nhất là phải sống trong bầu không khí của một trận đấu, của những giải đấu, không nên để họ bó chân ngồi dự bị mãi và cũng không thể không tạo cơ hội cho họ được ra sân. “Dạy triết lý tấn công cho cầu thủ trẻ mà không đánh thức tiềm năng trong họ thì làm sao cầu thủ trẻ tiến bộ. Như PVF vừa qua chúng tôi áp dụng mô hình của Nhật Bản là mỗi giải đấu lứa tuổi từ U.9 đến U.21 đều cho 2 đội thi đấu, một đội đá lấy thành tích và một đội đá để rèn giũa giúp các tài năng phát tiết. Như ở vòng loại U.21 hồi năm rồi hay U.19 quốc gia mới đây, nhiều người chỉ trích làm gì mà PVF đá 2 đội. Lực lượng chúng tôi đảm bảo chơi là một chuyện nhưng cái chính PVF muốn tất cả cầu thủ đang đào tạo được hít thở trận mạc. Chúng tôi chấp nhận đội 2 đá với đội hình trẻ hơn để giúp các em tuổi còn nhỏ sớm hình thành cách chơi không hề e ngại với đối thủ hơn tuổi mình, có được sự tự tin và trui rèn tâm lý thi đấu sớm. Có thể có thất bại với đội nhỏ tuổi hơn là bình thường, nhưng về lâu dài lực lượng của PVF “chín” và chúng tôi tự tin sắp tới sẽ cung cấp nhiều tài năng cho các đội tuyển quốc gia”, ông Thành nói.

HLV Gong Oh-kyun đã thổi làn gió mới nhưng cần vai trò của giám đốc kỹ thuật để kết nối nâng tầm cầu thủ trẻ Việt Nam. (Ảnh: Phúc Thắng)

Điều quan trọng nữa để cầu thủ trẻ phát triển theo ông Thành là: “Cần có giáo án thống nhất từ các cấp U đến đội tuyển quốc gia. Muốn vậy bóng đá Việt Nam phải có một tổng công trình sư là giám đốc kỹ thuật hoạch định ra chiến lược này, tập hợp các HLV các đội tuyển theo một mô hình chung, xuyên suốt từ trên xuống dưới. Có ý kiến cho rằng vai trò của giám đốc kỹ thuật người Nhật Bản Adachi hiện quá mờ nhạt vì chưa thể cùng HLV Park Hang-seo và các HLV khác xây dựng một triết lý chơi bóng chung cho bóng đá Việt Nam. Tôi nghĩ VFF cần phải làm rõ điều này để kết nối lại thành một hệ thống huấn luyện xuyên suốt. Làm được vậy, bóng đá Việt Nam sẽ có tính kế thừa mạnh và cầu thủ trẻ chắc chắn khi lên đội tuyển hay U.23 sẽ còn phát huy tốt hơn nữa các phẩm chất của mình”.

(Nguồn: Đăng Khoa/Thanh Niên)