Truyền thông Hàn Quốc bất bình với quyết định bổ nhiệm HLV

Theo báo chí Hàn Quốc, LĐBĐ nước này (KFA) quá mạo hiểm khi không bổ nhiệm HLV độc lập, mà để ông Hwang Sun-hong kiêm nhiệm cả ĐTQG lẫn U23.

HLV Hwang vượt qua hai ứng viên là Park Hang-seo và Choi Yong-soo để trở thành HLV tạm quyền tuyển Hàn Quốc. Việc này nhằm giúp KFA có thêm thời gian lựa chọn HLV chính thức, dự kiến vào tháng 5/2024.

Việc một HLV nắm hai đội tuyển không lạ lẫm trong bóng đá. Ở Hàn Quốc, người gần nhất giữ vai trò tương tự là HLV Pim Verbeek vào năm 2007. Tuy nhiên, trong bối cảnh đội U23 đang tranh vé dự Olympic, báo chí xứ kim chi cho rằng sự kiêm nhiệm có thể dẫn đến hệ lụy tiêu cực.

Tờ Four Four Two nhận định nếu để HLV Park Hang-seo dẫn dắt, kết quả hai đội tuyển sẽ được đánh giá riêng biệt. “KFA có thể chọn cách dễ dàng hơn nhưng lại đi con đường khó khăn và tự gánh lấy quả bom nổ chậm. Nếu ĐTQG thi đấu không tốt trước Thái Lan và đội U23 mất vé dự Olympic, có thể thảm họa lớn hơn sẽ ập đến với bóng đá Hàn Quốc”, bài viết có đoạn.

HLV Hwang đang dẫn dắt U23 Hàn Quốc chuẩn bị dự vòng chung kết U23 châu Á 2024, đồng thời là vòng loại Olympic 2024, diễn ra từ ngày 15/4 đến 3/5 tại Qatar. Hành trình của đội không dễ dàng khi chung bảng với Nhật Bản, UAE và Trung Quốc. Mục tiêu là vào top 3 để có vé chính thức dự Olympic Paris 2024, hoặc đứng thứ tư để đá play-off với đại diện châu Phi Guinea.

Trước đó, đội tham dự giải U23 Tây Á từ ngày 18/3 đến 26/3 cùng bảy đội tuyển khác, gồm chủ nhà Arab Saudi, Jordan, Iraq, UAE, Thái Lan, Australia và Ai Cập. Khung thời gian này trùng với lịch thi đấu vòng loại hai World Cup 2026 của ĐTQG, gặp Thái Lan vào ngày 21/3 và 26/3. Sau khi được bổ nhiệm, HLV Hwang sẽ dẫn dắt ĐTQG, còn giải giao hữu của đội U23 được giao cho đội ngũ trợ lý hiện tại.

Star News Korea miêu tả KFA đang tạo ra tình huống khiến HLV Hwang phải cầm “chén độc”. Còn Football List gọi quyết định của KFA là “đánh cược với tấm vé dự Olympic 2024”.

Trong khi đó, SpoTV cho rằng “Liên đoàn đang kìm hãm sự chuẩn bị của đội U23 và tạo gánh nặng kép cho HLV Hwang”.

Ông Chung Hae-seong, Chủ tịch Uỷ ban tăng cường khả năng thi đấu các ĐTQG Hàn Quốc, ở họp báo công bố HLV tạm quyền ĐTQG hôm 27/2. Ảnh: Yonhap
Ông Chung Hae-seong, Chủ tịch Uỷ ban tăng cường khả năng thi đấu các ĐTQG Hàn Quốc, ở họp báo công bố HLV tạm quyền ĐTQG ngày 27/2. Ảnh: Yonhap

Bóng đá nam Hàn Quốc đã chín lần liên tiếp dự Olympic, kể từ Seoul 1988. Tuy nhiên, không dễ để lạc quan khi sức mạnh các đội tuyển châu Á đã nâng lên nếu nhìn vào Asian Cup 2023. Năm 2022, Hàn Quốc với sự dẫn dắt của Hwang Sun-hong thua Nhật Bản, thực tế là đội U21, với tỷ số 0-3 ở tứ kết U23 châu Á.

Sau khi được bổ nhiệm làm HLV tạm quyền ĐTQG, HLV Hwang cho biết đã đắn đo suy nghĩ, nhưng đồng ý vì nghĩ rằng có thể giúp ích cho đội tuyển đang khó khăn. Hwang cũng lo lắng về sự chuẩn bị cho đội U23, nhưng khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các trợ lý để đạt kết quả tốt nhất.

Trong khi đó, ông Chung Hae-seong – Chủ tịch Ủy ban tăng cường khả năng thi đấu các ĐTQG – tuyên bố sẽ chịu mọi trách nhiệm nếu các đội tuyển không đạt kết quả tốt, nhưng báo chí Hàn Quốc nghĩ khác. “Nếu tình huống không dự Olympic thật sự xảy ra thì trách nhiệm không chỉ của riêng Chung Hae-seong”, Football List nhận định. “Trách nhiệm thuộc về tất cả các thành viên KFA có ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm này”.

Ủy ban tăng cường khả năng thi đấu chỉ là cơ quan tư vấn, còn quyết định là của ban lãnh đạo mà đứng đầu là Chủ tịch Chung Mong-gyu. Nhưng sự xuất hiện của Chủ tịch KFA rất mờ nhạt kể từ sau khi thông báo sa thải Jurgen Klinsmann sau thất bại ở Asian Cup 2023. Tờ Osen nói về “Thuyết né tránh trách nhiệm” của Chủ tịch Chung. Trong khi đó, SpoTV cho rằng KFA phải tạo mọi sự hỗ trợ cần thiết cho HLV Hwang, nhưng nếu thất bại thì Chủ tịch KFA Chung Mong-gyu phải từ chức một cách có trách nhiệm.