Kỳ World Cup được nhớ mãi! Chiến thắng của những con người mới, thời đại mới.
World Cup nữ 2023 sẽ được nhớ đến như một cột mốc đặc biệt trong lịch sử phát triển của bóng đá nữ. Bản thân hai đội bóng lọt vào chung kết, Anh và Tây Ban Nha, đã là minh chứng.
Trên hành trình chuyên nghiệp hóa của bóng đá nữ, sự nghiêm túc của người Anh và Tây Ban Nha chính là thông tin cực kỳ tích cực.
Hàng chục thập kỷ chỉ là nghiệp dư
Nếu ít để ý bóng đá nữ, người hâm mộ có thể ngạc nhiên trước thông tin này: qua nhiều thập niên phát triển ở châu Âu, Anh và Tây Ban Nha hiếm khi được xem là một nền bóng đá nữ hùng mạnh.
Nếu tính tổng hòa các danh hiệu cấp độ đội tuyển quốc gia, Đức cùng Na Uy, Hà Lan, Pháp và Thụy Điển mới là những nền bóng đá hàng đầu.
Đội tuyển quốc gia cũng chỉ là một thước đo. Khi nhắc đến khái niệm “nền bóng đá”, thành tích của CLB thường phản ánh rõ nét hơn. Và nếu nhìn dưới góc độ này, Anh và Tây Ban Nha lại càng không phải những nền bóng đá nữ giàu truyền thống.
Arsenal là CLB Anh duy nhất từng vô địch Champions League (năm 2007). Tây Ban Nha cũng tương tự, khi chỉ mới mình Barca vô địch giải đấu châu lục danh giá này. Họ thậm chí chỉ là một thế lực mới nổi gần đây với hai lần đăng quang vào các năm 2021 và 2023.
Đối lập với sự sôi động của bóng đá nam, bóng đá nữ ở Anh mất một thời gian rất dài mới được thừa nhận. Điều này xuất phát từ lệnh cấm của Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) vào một thập niên trước, khi có nhiều ý kiến tranh cãi ở góc độ xã hội về cuộc chơi 11 người của các cô gái.
Giai đoạn đó, bóng đá nữ ở Anh thu hút trên dưới 50.000 người đến sân mỗi trận. Nhưng động cơ của đám đông người hâm mộ bị nghi ngờ là không trong sáng, khi cánh mày râu chủ yếu háo hức vì lần đầu tiên được xem các cô gái quần thảo trên sân bóng.
Kết quả là trải qua 6 thập niên tiếp theo, bóng đá nữ ở Anh chỉ tồn tại dưới hình thức nghiệp dư. Đến tận đầu thập niên 1990, song song với việc Premier League ra đời, bóng đá nữ ở Anh mới bắt đầu có hệ thống giải đấu chuyên nghiệp.
World Cup nữ mở rộng quy mô, phát triển rõ nét
Lịch sử bóng đá nữ Tây Ban Nha cũng không khác biệt là bao, khi trò chơi 11 người dành cho các cô gái bị cấm từ năm 1930 đến tận 1980. Và đến năm 1988, họ mới có giải vô địch quốc gia đầu tiên trong lịch sử.
Ở cả những quốc gia được xem là cái nôi của trò chơi 11 người, lịch sử phát triển bóng đá nữ hóa ra cũng không khác là bao so với… Việt Nam. Đó là ví dụ rõ nét cho thấy vì sao đến tận ngày nay các cô gái quần đùi áo số vẫn còn phải đấu tranh kịch liệt cho quyền lợi của mình.
12 năm trước, kỳ World Cup nữ 2011 mới có 16 đội tham dự. Chỉ trong vòng hơn 1 thập niên, FIFA đã mở rộng quy mô giải đấu gấp đôi. Đó là sự tương tác hai chiều.
World Cup mở rộng quy mô giúp nhiều nền bóng đá nhỏ tích cực phát triển hơn. Và ngược lại, FIFA cũng chỉ đưa ra quyết định sau khi đã tham khảo sự tiến bộ rõ rệt của phong trào bóng đá nữ ở nhiều châu lục.
Morocco – 1 trong 8 đội tuyển quốc gia lần đầu góp mặt World Cup – đã vượt qua vòng bảng giải đấu năm nay. Còn Jamaica, Nam Phi – “lính mới” của kỳ World Cup ngay trước đó – cũng tiến xa trong lần thứ hai dự giải.
Và thêm vào đó, Mỹ, Đức, Brazil, Na Uy – những thế lực bóng đá nữ đời đầu – đều thua đau ở kỳ World Cup này.
Những đồng lương ít ỏi, các khán đài trống vắng, cả những chuyến bay giá rẻ… Hàng chục năm trời, những cô gái quần đùi áo số đã phải ngước nhìn các đồng nghiệp nam bằng ánh mắt ganh tị.
Nhưng sự chênh lệch không hẳn là bất công, đó đơn giản là quy tắc thị trường. Và việc hai nền bóng đá đứng đầu thế giới về tính thương mại đồng lòng phát triển bóng đá nữ là một tín hiệu đầy tích cực!
(Nguồn: Tổng hợp)