Lộ diện đối thủ nguy hiểm nhất của U.23 Việt Nam
Đối thủ đáng ngại nhất của U.23 Việt Nam ở giải U.23 Đông Nam Á 2023 sẽ là cái tên quen thuộc U.23 Indonesia.
U.23 Việt Nam từng vô địch giải U.23 Đông Nam Á với thành tích thuyết phục, toàn thắng 4 trận và không thủng lưới trước U.23 Thái Lan (2 trận), U.23 Timor Leste và U.23 Singapore. Đó là giải đấu mà thầy trò HLV Đinh Thế Nam lên ngôi nhờ lối chơi chắc chắn và kỷ luật, phòng ngự chắc và phản công tốc độ. Giải đấu này cũng đánh dấu sự trưởng thành của một số cầu thủ, tạo bệ phóng để U.23 Việt Nam xây dựng đội hình vô địch SEA Games 31 và giành HCĐ SEA Games 32.
Tuy nhiên, đường lên ngôi của U.23 Việt Nam cách đây 1 năm phần nào bớt khó khăn hơn, khi U.23 Indonesia không lên đường dự giải bởi dịch bệnh. Ở giải đấu năm nay, U.23 Indonesia đã trở lại. Đội trẻ xứ vạn đảo đang có tinh thần hưng phấn sau tấm HCV SEA Games 32. Đây là giải đấu mà U.23 Indonesia đã thắng cả U.23 Việt Nam (3-2) và U.23 Thái Lan (5-2) để đăng quang.
Dù trận chung kết giữa Indonesia và Thái Lan nhuốm màu bạo lực với màn hỗn chiến cuối trận của đôi bên, song không thể phủ nhận bóng đá trẻ Indonesia đã tiến bộ vượt bậc. Đội trẻ Indonesia dự SEA Games 32 là tập hợp của hai lứa cầu thủ U.20. Một lứa được xây dựng từ năm 2020, nhằm chuẩn bị cho U.20 World Cup 2021, song giải đấu bị hoãn do dịch bệnh. Lứa còn lại được xây dựng năm 2022, cũng nhằm hướng tới U.20 World Cup 2023 để rồi một lần nữa lỡ hẹn.
Không thể tổ chức U.20 World Cup, nhưng việc chăm bẵm và đầu tư cho hai lứa U.20 của Indonesia đã tạo nên một thế hệ cầu thủ giàu tiềm năng, mà Witan Sulaeman là đại diện tiêu biểu. Ở tuổi 21, Witan đã chơi 28 trận, ghi 8 bàn trong màu áo đội tuyển Indonesia, có 44 trận ở cấp độ CLB. Alfeandra Dewangga, một trụ cột khác của U.20 Indonesia, có 43 trận tại giải quốc nội Indonesia cùng 37 trận ở các cấp độ đội tuyển Indonesia.
Dewangga được ông Shin Tae-yong sử dụng ở AFF Cup 2020 và tiến bộ không ngừng. Nổi bật nhất là Marselino Ferdinan, cầu thủ mới 18 tuổi, nhưng đã khoác áo đội tuyển Indonesia và U.22 Indonesia lần lượt 12 và 15 lần. Các cầu thủ trẻ Indonesia được ra sân nhiều hơn ở các đội chủ quản trong nước, hoặc được cử đi “du học” ở các CLB tại Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu. Đây là chiến lược xây nền của Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) nhằm tận dụng sức trẻ để nâng tầm bóng đá nước nhà.
Ở giải U.23 Đông Nam Á, U.23 Indonesia không có lực lượng mạnh nhất do vắng 2 trụ cột Asnawi Mangkualam và Pratama Arhan. Marselino Ferdinan cũng không trở về do đang chơi bóng ở Bỉ. Dù vậy, đội bóng xứ vạn đảo vẫn có nhiều gương mặt chất lượng, đáng chú ý có 2 cầu thủ trở về từ châu Âu là Rafael Struick và Ivar Jenner.
Bộ khung vô địch SEA Games 32 với thủ môn Ernando Ari, các hậu vệ Rizky Ridho, Dewangga, hay hàng tấn công với Witan Sulaeman, Ramadhan Sananta, Irfan Jauhari đều góp mặt. Quan trọng nhất, U.23 Indonesia ở giải này được huấn luyện bởi ông Shin Tae-yong – chiến lược gia ở đẳng cấp hàng đầu và có 3 năm để rèn giũa, thấu hiểu cầu thủ trẻ Indonesia.
Ở giải U.23 Đông Nam Á, U.23 Indonesia nằm ở bảng B cùng U.23 Malaysia và U.23 Timor Leste. Đội bóng có biệt danh “Garuda” được dự đoán không khó để giành ngôi đầu bảng. Nếu U.23 Indonesia so tài với U.23 Việt Nam, đó sẽ là trận đấu đáng xem giữa hai thế hệ cầu thủ triển vọng.
Hồi tháng 5 vừa qua, U.23 Việt Nam đã thua U.23 Indonesia ở bán kết SEA Games 32 trong màn rượt đuổi kịch tính. Tuy nhiên, U.23 Đông Nam Á là một chương mới. U.23 Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị về thể lực, kỹ chiến thuật cũng như tinh thần để có thể vượt qua mọi đối thủ.
(Nguồn: Thanh Niên